PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

24/05/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Thúc đẩy bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực
Những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền đã quan tâm nhiều hơn đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới, chú trọng đặt ra các điều kiện, chỉ tiêu chăm lo phát triển vai trò của phụ nữ trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội và trong gia đình.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, từng bước giảm dần khoảng cách giới
trong lĩnh vực chính trị (Ảnh: Nữ đại biểu dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ XII)

Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản nhằm tạo cơ hội để phụ nữ tiếp cận với các lĩnh vực trong đời sống kinh tế - xã hội, trong đó đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực chính trị, tạo cơ chế đảm bảo phụ nữ được tham gia nhiều hơn vào các quá trình ra quyết định. Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy đảng cấp tỉnh chiếm 20%; cấp huyện chiếm 19%; cấp xã chiếm 16%. Tỷ lệ nữ tham gia ĐBQH, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, trong đó nữ tham gia ĐBQH chiếm 50%, nữ tham gia HĐND cấp tỉnh, huyện, xã chiếm tỷ lệ 27%. Số lượng nữ đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo chính quyền cấp địa phương tính đến ngày 31/12/2021, cấp tỉnh chiếm 18%, cấp huyện chiếm 37%, cấp xã chiếm 16%.

Từ năm 2007 đến nay, toàn tỉnh có 159 đề tài, dự án khoa học được triển khai, trong đó có 19 đề tài, dự án do nữ làm chủ nhiệm; có 300 phụ nữ tham gia là thành viên, thư ký các đề tài, dự án khoa học cấp tỉnh trở lên; hơn 1.500 sáng kiến được UBND tỉnh quyết định công nhận và khen thưởng cấp tỉnh, trong đó có 800 sáng kiến do phụ nữ thực hiện. Các sáng kiến, công trình nghiên cứu đều đảm bảo tính mới, sáng tạo và từng bước được phổ biến nhân rộng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Trong giai đoạn 2012 - 2022, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức được 49 lớp cho 1.776 người dân nông thôn, trong đó trên 50% là phụ nữ tham gia. Qua đó, phụ nữ có cơ hội tiếp cận, áp dụng khoa học kỹ thuật, liên kết sản xuất, tạo ra được nhiều sản phẩm hàng hoá có giá trị cao như ngô, gạo, hồng không hạt, chè Shan tuyết, bí xanh thơm, các loại nấm, cà gai leo, vịt bầu cổ xanh, lợn gà địa phương... Ngoài ra, ngành chức năng đã thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các văn bản về lĩnh vực khoa học và công nghệ, giới thiệu về các sáng kiến, kết quả nghiên cứu triển khai ứng dụng khoa học công nghệ trên các phương tiện thông tin đại chúng giúp người dân, đặc biệt là phụ nữ nghèo, phụ nữ vùng sâu, vùng xa được tiếp cận với các thông tin khoa học kỹ thuật và ứng dụng công nghệ vào đời sống, sản xuất.

Phụ nữ huyện Ba Bể được tiếp cận, áp dụng khoa học kỹ thuật, liên kết sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm
hàng hoá có giá trị cao

Việc triển khai thực hiện các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động ngày càng được quan tâm. Hằng năm, tỉnh đã chỉ đạo thực hiện tốt việc thu thập, cập nhật thông tin thị trường lao động, đồng thời tăng cường các hoạt động kết nối cung, cầu lao động, tạo điều kiện cho người lao động, người sử dụng lao động tiếp cận được với nhau. Hiện nay, toàn tỉnh có 207.322 người lao động có việc làm, đạt 46,58%, trong đó tỷ lệ nữ có việc làm chiếm 50%. Tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp hiện đang hoạt động chiếm 26,52%. Tỷ lệ lao động nữ nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật đạt 69%. Tỷ trọng lao động nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp trong tổng số lao động nữ chiếm 47,53%.

Cùng với đó, việc triển khai thực hiện các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thông tin, gia đình cũng được đẩy mạnh. Công tác chăm sóc sức khoẻ cho phụ nữ và trẻ em được đặc biệt quan tâm. Thực hiện tốt công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, tăng tỷ lệ phụ nữ mang thai được xét nghiệm sàng lọc HIV từ trên 30% giai đoạn 2011 - 2015 lên 80% vào giai đoạn 2016 - 2021.

Việc triển khai xây dựng, nhân rộng các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình hằng năm cũng đem lại hiệu quả nhất định, góp phần hình thành các câu lạc bộ, nhóm, hội hoạt động về công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình. Tính đến nay, đã có 22 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình được duy trì, nhân rộng, trong đó có 110 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững và 110 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình với hoạt động chủ yếu là tuyên truyền, triển khai hoạt động, ngăn chặn và giải quyết kịp thời khi có hành vi bạo lực gia đình hoặc nguy cơ bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới xảy ra trên địa bàn. Nhờ đó, tỷ lệ nạn nhân bạo lực gia đình được phát hiện, được tư vấn về pháp lý, sức khoẻ tăng dần qua các năm, giai đoạn 2011 - 2015 là 60%, giai đoạn 2016 - 2020 là 78%. Tỷ lệ người gây bạo lực gia đình được phát hiện, tư vấn tại các cơ sở tư vấn về phòng chống bạo lực, trong giai đoạn 2011 - 2015 là 70%, giai đoạn 2016 - 2020 đạt trên 90%. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1 trung tâm trợ giúp pháp lý tại tỉnh và 5 trung tâm chi nhánh tại các huyện, thành phố. Các trung tâm trợ giúp pháp lý đã tư vấn trợ giúp pháp lý cho người dân, đặc biệt nhiều vụ liên quan đến phụ nữ và trẻ em.

Tuy nhiên, là tỉnh đặc thù miền núi, vùng cao, kinh tế phát triển còn chậm; trình độ dân trí không đồng đều, tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” vẫn còn tồn tại ở một bộ phận Nhân dân… Những khó khăn trên đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai và kết quả thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trên địa bàn toàn tỉnh.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến bình đẳng giới. Lồng ghép tuyên truyền các nội dung liên quan tại các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác dân tộc cho cán bộ các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn. Chỉ đạo các cơ quan truyền thông tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi trên các phương tiện thông tin đại chúng như xây dựng phóng sự, tin, bài, chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về Luật Bình đẳng giới và các chính sách pháp luật có liên quan đến công tác bình đẳng giới./.

Thu Trang