PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

24/01/2017
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Từ năm 2017, Lễ hội lồng tồng Phủ Thông tổ chức ngày 20 tháng Giêng
Được sự đồng ý của UBND tỉnh, từ năm 2017, lễ hội Phủ Thông sẽ được tổ chức chính thức vào ngày 20 tháng Giêng hàng năm theo đúng ngày lễ hội truyền thống xưa.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Được sự đồng ý của UBND tỉnh, từ năm 2017, lễ hội Phủ Thông sẽ được tổ chức chính thức vào ngày 20 tháng Giêng hàng năm theo đúng ngày lễ hội truyền thống xưa.

Nhớ về lễ hội lồng tồng Phủ Thông xưa

Lễ hội lồng tồng Phủ Thông có từ bao giờ thì mọi người dân Phủ Thông đều không ai biết chính xác mà chỉ biết theo lời kể của những người cao tuổi rằng lễ hội bắt nguồn từ việc thờ cúng tỏ lòng biết ơn một vị quan triều đình họ Dương đã có công lao giúp đỡ nhân dân địa phương đánh đuổi giặc cướp, thổ phỉ đem lại bình yên cho vùng đất này.

Tương truyền xưa kia vùng đất Vĩnh Thông (nay là huyện Bạch Thông) loạn lạc triền miên, hết toán cướp này đến toán cướp khác đến quấy nhiễu dân lành. Trước tình hình đó, triều đình đã điều một quận công đến đóng quân tại Vi Hương để đánh đuổi giặc cướp, đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Vài năm sau đó, khi viên quận công trở về triều đình, vùng đất Vĩnh Thông lại trở về những ngày sống trong lo sợ, cướp bóc triền miên. Thêm một lần nữa, triều đình lại phải cắt cử tướng quân triều đình đến dẹp loạn. Một vị tướng quân họ Dương đã được triều đình cử đến đây giúp nhân dân, đóng quân tại Nà Hái để bao vây đánh giặc bên cánh đồng Nà Phải thuộc địa bàn xã Phương Linh ngày nay.

Trong một trận đánh ác liệt, tướng quân họ Dương do sơ xuất đã bị giặc chém, thủ cấp rơi xuống cánh đồng Nà Phải nhưng thân vẫn yên vị trên ngựa chiến vung gươm chém kẻ thù suốt dọc đường từ Nà Phải đến “phai” Luông - đập ngăn nước sông vào cánh đồng Nà Phải (giáp đường từ thị trấn Phủ Thông vào xã Vi Hương ngày nay) mới rơi xuống bên bờ sông. Mặc dù vị tướng đã bị chém thủ cấp nhưng vẫn chiến đấu khiến giặc cướp khiếp sợ, bỏ chạy toán loạn không dám quay trở lại quấy nhiễu dân lành. Để tưởng nhớ công lao của tướng quân họ Dương, nhân dân Nà Phải đã lập miếu thờ gọi là “slấn phủ Dương” (miếu thờ vị thần họ Dương). Về sau, những người họ Dương ở Phương Linh và Phủ Thông đã tôn tướng quân họ Dương là thần, thánh và rước bàn thờ về trung tâm thị trấn Phủ Thông ngày nay để thờ cúng tại đền “Slấn Slảnh” (đền thờ thần thánh). Địa điểm ngôi đền được xây dựng trong khuôn viên nghĩa trang Phủ Thông hiện nay, phần giáp với trường Tiểu học Phương Thông. Đây là ngôi chùa đền thế 3 gian, bên gốc đa cổ thụ. Ngôi đền ấy ngày nay đã không còn do thời kỳ đến đóng chiếm, xây đồn Phủ Thông (những năm 1947 - 1948), thực dân Pháp đã phá đền, đền phả do chức dịch quản giữ cũng đã bị thất lạc trong khi chạy loạn. Vì vậy, ngày nay chẳng ai còn biết đền lập từ năm nào, tên tuổi vị tướng nọ là gì, chỉ biết theo tương truyền là vị tướng họ Dương.

Hàng năm, vào ngày 19 tháng Giêng, nhân dân địa phương làm lễ thờ cúng thần họ Dương tại ngôi đền này để tỏ lòng biết ơn, thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc Việt Nam qua bao đời. Nhân dịp này, nhân dân cũng tổ chức lễ hội lồng tồng Phủ Thông trong 2 ngày 19 và 20 tháng Giêng với phần lễ chính là việc dâng lễ vật tại đền “Slấn Slảnh” thờ thần họ Dương vừa để tỏ lòng biết ơn vị thần, vừa cầu mong một năm sung túc ăn lành, nhân dân địa phương làm ăn phát đạt, ấm no, hạnh phúc.

Phần hội diễn ra trên cánh đồng ngay tại thị trấn Phủ Thông ngày nay với các hoạt động như: Thi mâm cỗ, thi tung còn với nhiều trò chơi dân gian đặc sắc như múa lân, đánh yến, đẩy gậy, bắt vịt dưới ao, vật tay, bắn cung, bắn nỏ, leo dây bằng tay, đánh đu, kéo co, đấm bù nhìn, đi cà kheo, nhảy lò cò, cờ tướng, đánh cù, đánh yến, hát si hát lượn…

Theo lời kể của nghệ nhân Hoàng Hóa (tại phố Chính, thị trấn Phủ Thông): Ngày xưa đi lễ hội lồng tồng, dù nhà ngay gần đây nhưng không muốn về nhà ăn cơm vì lễ hội thực sự rất hấp dẫn, nhiều trò chơi thu hút được đông đảo người xem.

Lễ hội diễn ra chính thức trong ngày 19 và 20 tháng Giêng nhưng từ ngày 15 tháng Giêng cả khu phố đã rộn ràng không khí lễ hội với những buổi diễn tuồng tàu, múa kỳ lân ở các tỉnh lân cận như Lạng Sơn, Cao Bằng về trước ngày khai hội đến trình diện các đền, chùa để xin phép được biểu diễn trên địa bàn. Sau đó những đội múa này sẽ tỏa đi từng nhà chúc Tết.

Ngày 19 người dân của ngôi làng nay là Phố Chính (thị trấn Phủ Thông) mổ lợn để tế thần. Mà lợn để tế thần phải có trọng lượng từ 1 tạ trở lên, do một hộ dân được canh tác trên khu ruộng trước đền nuôi. Hàng năm, hộ dân đó không phải nộp đinh, tô mà chỉ nộp cho làng một tạ lợn để tế thần.

Lễ tế thần do một thầy mo làm chủ tế. Nội dung bài tế không thuần túy chỉ là văn lễ, tấu, sớ liệt kê về thời gian, địa điểm, thành phần và các đồ dâng tế thể hiện lòng thành kính và huớng về cội nguồn mà nội dung chủ yếu là người chủ tế với vai trò trung chuyển những ý nguyện của chúng dân tới thần, mong sao cho đất trời và thần linh phù hộ độ trì, gia trạch bình an, vạn sự như ý. Mong cho nước thịnh dân an, người người mạnh giỏi sống chan hòa hạnh phúc, mùa màng bội thu. Sau những lời cầu nguyện của chủ tế, mọi người dự lễ ai cũng cảm thấy tâm hồn thoải mái, nhẹ nhàng như đã giải thoát được những gì mà mình còn cảm thấy vướng bận, u uất trong lòng. Lúc này, con người cảm thấy hiểu hơn, gần gũi và sống có trách nhiệm với nhau hơn. Bởi theo họ, những lời khấn nguyện kia cùng với sự chứng giám của thần linh đã giúp họ xóa đi được mọi mặc cảm, ngăn cách.

Sau phần tế lễ, bữa cơm đại trà được tổ chức ngay tại sân đền cho cả làng cùng ăn với tâm niệm “Hưởng lộc đầu xuân của thần linh ban phát, cả năm đó mọi người đều mạnh khỏe, làm ăn phát đạt”.

Các hoạt động phần hội sẽ chính thức diễn ra trong ngày 20 tháng Giêng gồm: Thi mâm cỗ và các trò chơi dân gian bắt nguồn từ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, đó có thể là mô phỏng lại các hoạt động sinh hoạt, sản xuất của người dân, có thể là tái hiện lại câu chuyện tình nghĩa cảm động …

Theo lời kể của nghệ nhân, những mâm cỗ thi tại ngày hội được chuẩn bị rất cầu kỳ, công phu và chỉ có những gia đình khá giả, thượng điền, có địa vị trong xã hội mới được làm mâm cỗ đi thi. Mâm cỗ gồm các loại bánh, hoa quả và các con vật bằng bột nếp do các nghệ nhân thực hiện.

Trong phần hội, thu hút được nhiều khán giản nhất có lẽ là những tiết mục múa lân, biểu diễn võ thuật dân tộc. Trong tiếng hò reo, những tràng pháo tay cổ vũ, đội kỳ lân sẽ trình diễn các môn võ thuật truyền thống như: Đánh gậy, trồng chuối trên cao, lao người qua vòng lửa… Bên cạnh đó là những hình khỉ, tiễu, trư ngộ nghĩnh, nghịch ngợm cùng với những tiếng thanh la, não bạt, hợp âm đầy hấp dẫn.

Hội còn cũng rất được quan tâm, đầu tiên người chủ hội tung quả còn khai hội, đứng đối diện cột còn là một bên nam, một bên nữ. Họ thi nhau tung những quả còn lên cao sao cho thủng được “phoòng còn” (Cột còn là cây mai còn cả phần ngọn, “phoòng còn” là ngọn mai cuộn lại thành vòng tròn, dán giấy trắng, tâm dám giấy màu đỏ). “Phoòng còn” thủng báo hiệu điều may mắn và năm đó làm ăn phát đạt. Khi “phoòng còn” thủng thì đó là lúc mà các nam nữ thanh niên ném còn cho nhau, mở màn cho việc giao lưu tình cảm của những trai thanh, gái lịch với các loại trang phục dân tộc ngào ngạt hương tràm. Người con trai bên này nhận được quả còn của người con gái ném sang, rất có thể đây là cơ hội để gần gũi, tìm hiểu cô gái để rồi thầm yêu, trộm nhớ và nên duyên vợ chồng. Cũng chính vì vậy mà dân gian có câu:

“Au căn nhoòng slai còn háng Phủ

Hua khao nhằng khuất khú sảng căn”

Tạm dịch:

“Lấy nhau nhờ dây còn chợ Phủ

Đầu bạc còn quấn quýt bên nhau”

Cùng với múa kỳ lân, hội còn, các trò chơi dân gian như: Đánh yến, đánh cù, đi cà kheo, đám bù nhìn, bắt vịt, leo dây bằng tay… đều diễn ra ban ngày và thu hút được đông đảo du khách tham gia. Buổi tối các ngày lễ hội là thời gian dành cho những làn điệu sli, slương, lượn cọi, hát giao duyên mê đắm lòng người; những tiếng chúc mừng năm mới rộn rã tại các gia đình xung quanh nơi diễn ra lễ hội.

Mặc dù đã 86 tuổi nhưng hồi tưởng về những đêm giao lưu văn hóa với những làn điệu sli, slương, lượn cọi, nghệ nhân Hoàng Hóa như đưa cả chúng tôi về sống lại những ngày lễ hội xưa. Ông kể rằng: Lễ hội lồng tồng Phủ Thông thu hút được đông đảo du khách từ các huyện khác đến. Những du khách phương xa thường lưu lại những gia đình anh em, họ hàng, người quen để ngày hôm sau tiếp tục tham gia hội hoặc là sau lễ hội họ lưu lại để đi chợ Phủ Thông ngày 21 bởi ngày đó chợ Phủ Thông diễn ra ngày 1 và ngày 6 chứ không phải là ngày 5 ngày 10 như hiện nay.

Những đêm giao lưu văn hóa đó, tại các gia đình ở phố Chính, thị trấn Phủ Thông ngày nay rộn rã tiếng hát, tiếng cười thâu đêm suốt sáng. Khách và gia chủ quần quần bên bếp lửa hồng với những chén rượu cay cay, thơm nồng. Những lời hỏi thăm sức khỏe, sản xuất rồi đến những lời chúc mừng năm mới hạnh phúc, sung túc, những tiếng hát mừng mùa xuân đến khiến mọi người xích lại gần nhau hơn. Và cũng chính những dịp này, các chàng trai, cô gái có cơ hội tìm hiểu nhau sau những câu hát giao duyên. Đã có rất nhiều đôi trai gái nên duyên vợ chồng sau những dịp lễ hội Phủ Thông này.

Khôi phục lại lễ hội xưa

Lễ hội lồng tồng Phủ Thông là lễ hội cổ truyền của dân tộc được nhiều người dân tại huyện Bạch Thông và các vùng lân cận mong chờ mỗi dịp Tết đến xuân về. Cùng với sự phát triển của địa phương, lễ hội lồng tồng Phủ Thông vẫn được duy trì tổ chức hàng năm nhưng đã có nhiều sự thay đổi.

Bắt đầu từ mùa xuân 1996, lễ hội lồng tồng Phủ Thông được tổ chức ngày 10 tháng Giêng tại thị trấn Phủ Thông. Vì đền “Slấn Slảnh” ngày xưa đã không còn nên phần lễ diễn ra tại Nghĩa trang Liệt sỹ Phủ Thông thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” tỏ lòng biết ơn các liệt sỹ trận công đồn Phủ Thông lịch sử và những liệt sỹ con em các dân tộc tỉnh Bắc Kạn đã chiến đấu hi sinh anh dũng trên các mặt trận chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và chiến tranh biên giới bảo vệ Tổ quốc.

 Phần lễ của lễ hội lồng tồng ngày nay diễn ra tại Nghĩa trang Liệt sỹ Phủ Thông
với nghi thức rước mâm cỗ

Phần hội diễn ra tại sân vận động thị trấn Phủ Thông với các trò chơi dân gian và cả các môn thể dục thể thao hiện đại: Tung còn, kéo co, đẩy gậy, thi đấu bóng chuyền, bịt mắt bắt dê, hái hoa dân chủ…

Qua 20 năm, lễ hội vẫn được duy trì nhưng chính những thay đổi của lễ hội về nội dung và việc tổ chức vào ngày mùng 10 tháng Giêng trùng với ngày hội lồng tồng Ba Bể đã khiến lễ hội lồng tồng Phủ Thông không còn thu hút được đông đảo du khách. Chính vì vậy, nhân dân thị trấn Phủ Thông đều mong muốn được khôi phục lại lễ hội truyền thống.

Đáp ứng nguyện vọng của nhân dân thị trấn Phủ Thông nói riêng và nhân dân huyện Bạch Thông nói chung, năm 2016, UBND tỉnh đã đồng ý cấp phép cho UBND thị trấn Phủ Thông tổ chức lễ hội lồng tồng Phủ Thông vào ngày 20 tháng Giêng hàng năm.

Lễ hội được khôi phục lại sẽ kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, có chọn lọc những nét đẹp văn hóa đặc trưng của vùng miền nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị quý báu trong di sản văn hóa lễ hội để bà con được gặp mặt giao lưu, trò chuyện, chiêm ngưỡng, vui chơi trải nghiệm thỏa thích

Lễ hội lồng tồng Phủ Thông khôi phục theo ý Đảng lòng dân đúng ngày truyền thống, trên tinh thần nhà nước và nhân dân cùng thực hiện với phương châm “Tiết kiệm hiệu quả” cũng là lễ hội Lồng Tồng vui xuân cuối cùng của tỉnh Bắc Kạn trong tháng Giêng hàng năm./.

Hương Dịu