PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

24/10/2017
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Về miền quê cách mạng Bản Bẳng, xã Nghĩa Tá, huyện Chợ Đồn
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ của dân tộc, di tích lịch sử Pù Cọ thuộc Bản Bẳng, xã Nghĩa Tá, huyện Chợ Đồn là nơi ghi dấu sự kiện gặp gỡ của đoàn quân Nam Tiến - Bắc Tiến, mở ra cục diện mới cho cách mạng nước ta.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ của dân tộc, di tích lịch sử Pù Cọ thuộc Bản Bẳng, xã Nghĩa Tá, huyện Chợ Đồn là nơi ghi dấu sự kiện gặp gỡ của đoàn quân Nam Tiến - Bắc Tiến, mở ra cục diện mới cho cách mạng nước ta. Ngày nay, phát huy truyền thống cách mạng, đồng bào dân tộc xã Nghĩa Tá vẫn luôn nỗ lực vươn lên, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Ngược dòng lịch sử

Bản Bẳng là một bản người Dao thuộc xã Nghĩa Tá, huyện Chợ Đồn. Đây là căn cứ quan trọng của Đảng ta trong những năm 1943 -1945. Nhiều đồng chí lãnh đạo cách mạng của Đảng như: Võ Nguyên Giáp, Hoàng Văn Thái, Lê Dục Tôn, Nông Văn Quang, Nông Văn Lạc, Chu Văn Tấn… đã sống và làm việc tại Bản Bẳng.

Tháng 6/1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh từ Cao Bằng về Tân Trào (Tuyên Quang) cũng đã từng ăn cơm, nghỉ trưa tại nhà ông Triệu Phú Dương - một cơ sở cách mạng thuộc bản Bẳng. Nơi đây còn diễn ra nhiều cuộc gặp mặt của đoàn quân Nam Tiến và Bắc Tiến.

Trong thời gian hoạt động cách mạng ở Cao Bằng, nắm rõ phong trào cách mạng trong nước, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã chỉ thị cho lãnh đạo hai căn cứ cách mạng Cao Bằng và Bắc Sơn - Võ Nhai mở “con đường quần chúng cách mạng” nhằm khai thông liên lạc từ hai căn cứ cách mạng này với Trung ương Đảng ở miền xuôi.

Thực hiện chỉ thị của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, đầu năm 1943, lãnh đạo hai căn cứ đã mở Hội nghị tại hang Lũng Hoài, Hòa An (Cao Bằng) và ra nghị quyết về việc “mở con đường quần chúng cách mạng”. “Con đường quần chúng cách mạng” có hai mũi. Mũi thứ nhất, xuất phát từ căn cứ Cao Bằng gọi là Nam Tiến, do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy. Mũi thứ hai, xuất phát từ căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai, gọi là Bắc Tiến, do đồng chí Chu Văn Tấn chỉ huy.

Sau một thời gian hoạt động tích cực, các mũi Nam Tiến, Bắc Tiến đã phát triển gần tới Chợ Đồn. Trung tuần tháng 8/1943, một tổ công tác Bắc Tiến do đồng chí Hoàng Thượng, Nhất Quý phụ trách đã đến xây dựng cơ sở cách mạng trong đồng bào Dao ở Bản Bẳng.

Đến tháng 10/1953, tổ xung phong Nam Tiến do đồng chí Nông Văn Quang phụ trách đã đến Bản Bẳng, gặp tổ công tác Bắc Tiến. Các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Chu Văn Tấn cũng đã đến Bản Bẳng, chỉ đạo phong trào cách mạng.

Từ đây phong trào cách mạng phát triển rộng khắp vùng Chợ Đồn và các vùng lân cận. Bản Bẳng trở thành căn cứ của các đồng chí lãnh đạo Nam Tiến và Bắc Tiến, thường xuyên qua lại, chỉ đạo phong trào cách mạng cho tới ngày chuẩn bị tổng khởi nghĩa.

Thắng lợi của “con đường quần chúng cách mạng” đã mở ra cục diện mới cho cách mạng nước ta, đó là khai thông liên lạc hai căn cứ địa Cao Bằng và Bắc Sơn - Võ Nhai về với Trung ương Đảng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chỉ đạo thống nhất phong trào cách mạng toàn quốc. Căn cứ địa Việt Bắc được mở rộng, vững chắc, làm chỗ dựa cho phong trào cách mạng cả nước. Thành công của “con đường quần chúng cách mạng” còn thể hiện sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc tổ chức phong trào cách mạng.

 Bia ghi tên di tích Pù Cọ - Bản Bẳng, xã Nghĩa Tá, huyện Chợ Đồn (Ảnh tư liệu)

Ngày 28/6/1996, Bộ Văn hóa - Thông tin ra Quyết định số 1460/QĐ-VH công nhận và xếp hạng di tích đồi Pù Cọ là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Phát huy truyền thống cách mạng

Xã Nghĩa Tá có hơn 400 hộ dân, gần 2.000 nhân khẩu, có 9 thôn trong đó có 2 thôn đa số là người dân tộc Dao. Với bề dày truyền thống lịch sử, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nghĩa Tá hôm nay đang nỗ lực vươn lên xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Trong phát triển kinh tế - xã hội, cấp ủy, chính quyền xã thống nhất tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai và tổ chức thực hiện phát triển kinh tế nông lâm nghiệp trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Được sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, nhiều giống mới được đưa vào canh tác đã giúp bà con nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng.

Bên cạnh phát triển kinh tế, hệ thống cơ sở hạ tầng của xã cũng không ngừng được đầu tư, xây dựng. Đường ô tô đã đến được 9/9 thôn, bản. Trong công tác giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội, xã luôn thực hiện kịp thời, đúng đối tượng và đạt hiệu quả tốt nhất các chính sách, dự án thuộc chương trình giảm nghèo được đầu tư và triển khai tại địa phương; chú trọng các chính sách về y tế, nhà ở, điện sinh hoạt, giáo dục đào tạo và các dịch vụ phúc lợi xã hội khác liên quan đến giảm nghèo, từng bước nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống của người nghèo. Trạm y tế của xã được xây dựng khang trang, đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng tốt nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Hiện các trường học đều được xây dựng kiên cố, tỷ lệ huy động trẻ đến lớp đạt cao, công tác phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi của xã đã đạt chuẩn và được giữ vững. Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo trên địa bàn nên đời sống của người dân nơi đây ngày càng được nâng cao, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi thay.

 Một góc Bản Bẳng hôm nay (Ảnh BBK)

Thôn Bản Bẳng cách xa trung tâm xã khoảng 5km, dù còn nhiều khó khăn, nhưng đời sống của đồng bào dân tộc Dao nơi đây đang dần thay da đổi thịt. Các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của Nhà nước được triển khai kịp thời, đầy đủ tới người dân. Bà con đã được đầu tư hệ thống nước sạch sinh hoạt, xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, được tài trợ xây dựng phân trường phục vụ việc học hành của trẻ mẫu giáo… Nhiều nếp nhà xây kiên cố đã được người dân xây dựng thay vì những nếp nhà sàn truyền thống trước đây.

Trong thời gian tới, cùng với các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, xã sẽ tiếp tục huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị của địa phương thực hiện đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, bê tông hóa đường liên thôn, kiên cố hóa hệ thống thủy lợi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khai thác hiệu quả quỹ đất hiện có… để tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân. Cùng với nhiều giải pháp cụ thể và sát thực, xã Nghĩa Tá đang tích cực vận động nhân dân chung tay phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền các cấp vững mạnh; phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 13,12% năm 2016 xuống còn 11,49% trong năm 2017; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm xuống còn 4%./.

Nguyễn Nga (tổng hợp)