PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

05/12/2019
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Xây dựng thương hiệu gạo Nếp Tài ở Yến Dương
Nếp Tài là giống lúa truyền thống của đồng bào dân tộc Dao ở Phiêng Phàng và Nà Pài, xã Yến Dương (Ba Bể). Hai năm trở lại đây, Hợp tác xã Yến Dương đã vận động người dân mở rộng diện tích, đăng ký mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc, từng bước xây dựng thương hiệu để đưa sản phẩm gạo này ngày càng vươn xa trên thị trường.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Nếp Tài là giống lúa truyền thống của đồng bào dân tộc Dao ở Phiêng Phàng và Nà Pài, xã Yến Dương (Ba Bể). Hai năm trở lại đây, Hợp tác xã Yến Dương đã vận động người dân mở rộng diện tích, đăng ký mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc, từng bước xây dựng thương hiệu để đưa sản phẩm gạo này ngày càng vươn xa trên thị trường.

Những ngày này, các thửa ruộng trồng lúa Nếp Tài của bà con dân tộc Dao đang bắt đầu bước vào thời kỳ chín sữa, chắc hạt. Chị Triệu Thị Tâm, trưởng nhóm trồng lúa Nếp Tài ở thôn Phiêng Phàng cho biết: Nếp Tài là tên gọi tiếng địa phương của đồng bào dân tộc Dao, được dịch là nếp “tự về”. Giống lúa này đã có từ rất lâu và chỉ duy nhất ở hai thôn Phiêng Phàng, Nà Pài trồng được, cho hạt gạo có hương thơm đặc trưng, khi nấu lên rất dẻo và ráo, mềm nhưng không nát. Đặc biệt gạo này khi sử dụng làm các loại bánh truyền thống thì sau 3-4 ngày vẫn mềm, ngon nên được nhiều người yêu thích. Do là loại cây trồng truyền thống nên bà con chủ yếu trồng để phục vụ gia đình và làm quà biếu, số lượng bán ra thị trường rất ít và cũng chỉ bán tại địa phương. Kể từ khi được Hợp tác xã Yến Dương khuyến khích mở rộng diện tích, bao tiêu sản phẩm, bà con mới tập trung gieo trồng để nâng cao thu nhập.

Lúa Nếp Tài được đồng bao dân tộc Dao ở Phiêng Phàng và Nà Pài mở rộng diện tích.

Theo truyền thống canh tác của người dân địa phương, mỗi năm lúa Nếp Tài được trồng một vụ, bắt đầu từ tháng 5 đến cuối tháng 11 dương lịch. Năm 2018, 12 hộ dân của hai thôn đã tiến hành gieo trồng với diện tích hơn 1ha. Quá trình chăm sóc, bà con hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng như phân bón hóa học. Vụ mùa năm 2019, để hoạt động liên kết, bao tiêu được chặt chẽ, nhóm trồng lúa được thành lập. Thôn Phiêng Phàng có 17 hộ tham gia với diện tích gieo cấy là 3,4ha; thôn Nà Pài có 18 hộ tham gia với diện tích là 3,1ha. Ngoài ra nhiều hộ khác cũng tiến hành cải tạo đất, dẫn nước vào ruộng để trồng, nâng tổng diện tích lúa này trên địa bàn lên15ha.

Năm nay, gia đình chị Đặng Thị Dương ở thôn Nà Pài trồng 2.000m2 lúa, theo chị: Trước đây, giá bán lẻ thóc nếp ngoài thị trường chỉ khoảng hơn 10.000 đồng/kg thì nay Hợp tác xã bao tiêu với mức giá 14.000 đồng/kg, nâng giá trị kinh tế đáng kể cho bà con. Hơn nữa, tham gia liên kết trồng bà con được tập huấn kỹ thuật canh tác lúa, theo dõi, chăm sóc phòng trừ chuột hại, sâu bệnh hại đúng thời điểm để nâng cao năng suất.

Hợp tác xã Yến Dương là đơn vị tiên phong trong việc vận động bà con mở rộng diện tích lúa Nếp Tài và đưa sản phẩm trở thành hàng hóa. Bà Ma Thị Ninh- Giám đốc Hợp tác xã cho biết: Trước một sản phẩm nông nghiệp truyền thống, đặc trưng và có chất lượng cao như gạo Nếp Tài, chúng tôi mong muốn phát huy lợi thế của địa phương để nâng cao thu nhập cho bà con. Để xây dựng thương hiệu, Hợp tác xã lựa chọn những hộ còn lưu giữ được giống lúa thuần, không bị lai tạp rồi mới tiến hành gieo cấy. Quá trình canh tác phải thực hiện theo hướng hữu cơ để làm ra những hạt gạo sạch, chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Với năng suất đạt từ 35 – 38 tạ/ha, Hợp tác xã đã và đang tiến hành phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức các lớp chuyển giao kỹ thuật cho các nhóm hộ để nâng cao sản lượng.

Hợp tác xã Yến Dương đã đăng ký mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm gạo Nếp Tài.

Hiện nay, gạo Nếp Tài đã được Hợp tác xã Yến Dương đăng ký mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc. Để sản phẩm được bắt mắt, thu hút người tiêu dùng, mới đây Sở Công thương Bắc Kạn đã hỗ trợ Hợp tác xã thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói sản phẩm. Từ năm 2018 đến nay, gạo Nếp Tài được Hợp tác xã mang đi giới thiệu, bày bán phổ biến ở trong và ngoài huyện, đưa sản phẩm tham gia các hội nghị xúc tiến thương mại, hội chợ lớn, trưng bày tại các trạm dừng nghỉ ở các địa phương như: Trạm dừng nghỉ Hải Đăng (Thái Nguyên), trạm dừng nghỉ Lâm Tuyền (Hà Nam), trạm dừng nghỉ ở Phú Thọ, Lào Cai...

Xây dựng thương hiệu gạo Nếp Tài đang mở ra hướng mới, tạo cơ hội cho nông dân địa phương sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa chất lượng cao, tăng thu nhập và giải quyết việc làm. Tuy nhiên, để sản phẩm này ngày càng có sức cạnh tranh trên thị trường, địa phương cần có sự hỗ trợ của các ngành liên quan trong việc chuyển giao kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng, năng suất cây trồng; kết nối, quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ để thương hiệu gạo Nếp Tài ngày càng vươn xa./.

 
Theo baobackan.org.vn