PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

16/10/2017
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Bắc Kạn - Mảnh đất nhiều tiềm năng
Bắc Kạn là tỉnh miền núi nằm ở trung tâm nội địa vùng Đông Bắc Bắc Bộ; phía Bắc giáp các huyện Bảo Lạc, Nguyên Bình, Thạch An, tỉnh Cao Bằng; phía Đông giáp các huyện Tràng Định, Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn; phía Nam giáp các huyện Võ Nhai, Phú Lương, Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên; phía Tây giáp các huyện Na Hang, Chiêm Hóa, Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Bắc Kạn là tỉnh miền núi nằm ở trung tâm nội địa vùng Đông Bắc Bắc Bộ; phía Bắc giáp các huyện Bảo Lạc, Nguyên Bình, Thạch An, tỉnh Cao Bằng; phía Đông giáp các huyện Tràng Định, Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn; phía Nam giáp các huyện Võ Nhai, Phú Lương, Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên; phía Tây giáp các huyện Na Hang, Chiêm Hóa, Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.

Diện tích đất tự nhiên của Bắc Kạn là 485.941ha, trong đó: Đất nông nghiệp (bao gồm cả đất lâm nghiệp) là 413.044ha, chiếm 85%; đất phi nông nghiệp là 21.159ha, chiếm 4,35%; đất chưa sử dụng là 51.738ha, chiếm 10,65%. Đất đai tương đối màu mỡ, nhiều nơi tầng đất dày, đất đồi núi có lượng mùn cao, thích hợp cho sản xuất nông lâm nghiệp, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả và phục hồi rừng.

 Trung tâm thành phố Bắc Kạn (Ảnh: Internet)

Bắc Kạn có 8 đơn vị hành chính, trong đó có 1 thành phố (thành phố Bắc Kạn) và 7 huyện (Ba Bể, Bạch Thông, Chợ Đồn, Chợ Mới, Na Rì, Ngân Sơn, Pác Nặm) với 122 xã, phường, thị trấn. Dân số toàn tỉnh hiện có trên 308.300 người, gồm 7 dân tộc: Tày, Nùng, Kinh, Dao, Mông, Hoa, Sán Chay; trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 80%. Mật độ dân số trung bình 63,45 người/km2.

 Những thành tựu kinh tế - xã hội nổi bật

Tỉnh Bắc Kạn được thành lập ngày 11 tháng 4 năm 1900. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, với vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, Bắc Kạn là trung tâm căn cứ địa cách mạng, là “Thủ đô kháng chiến”, phối hợp tác chiến mạnh mẽ, làm nên những chiến thắng oai hùng, gắn với những chiến công vang dội như chiến thắng Phủ Thông, Đèo Giàng… Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhân dân các dân tộc Bắc Kạn đã phát huy truyền thống cách mạng, tích cực đóng góp sức người, sức của chi viện cho miền Nam. Hàng vạn thanh niên đã xung phong lên đường ra mặt trận. Hơn hai ngàn người con ưu tú đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường, gần một ngàn thương binh đã để lại một phần xương máu ngoài mặt trận; góp phần cùng quân, dân cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong thời kỳ hoà bình, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tuy có những biến động, đổi thay trong chia tách, sáp nhập địa giới hành chính: Năm 1965, tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên sáp nhập thành tỉnh Bắc Thái; năm 1978 tách hai huyện Ba Bể, Ngân Sơn của tỉnh Bắc Thái nhập về tỉnh Cao Bằng. Nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, thể theo nguyện vọng của nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn, ngày 06 tháng 11 năm 1996, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá IX, kỳ họp thứ 10 đã phê chuẩn việc chia tách tỉnh Bắc Thái thành 2 tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên. Ngày 01 tháng 01 năm 1997, tỉnh Bắc Kạn chính thức được tái thành lập, đây là bước ngoặt quan trọng, đánh dấu sự khởi đầu mới của Bắc Kạn trên con đường xây dựng và phát triển.

 Tỉnh Bắc Kạn kỷ niệm 20 năm ngày tái thành lập và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất (1/1/2017)

Khi mới tái lập, toàn tỉnh còn 25% số xã chưa có đường ô tô đến trung tâm; 2 huyện và 102 xã chưa có điện lưới quốc gia; 93 xã chưa có điện thoại; 71% số phòng học tranh tre, nứa lá, 36% số xã chưa đạt chuẩn quốc gia về xoá mù chữ - phổ cập giáo dục tiểu học. Thu ngân sách toàn tỉnh mới đạt hơn 17 tỷ đồng. Tỷ lệ đói nghèo chiếm trên 50%. Toàn tỉnh còn 170 thôn, bản và 37 trường học chưa có đảng viên. Với những nỗ lực vượt bậc của hệ thống chính quyền và các tầng lớp nhân dân địa phương, sau 20 năm tái thành lập, từ một tỉnh chậm phát triển, đến nay Bắc Kạn đã có những đổi thay quan trọng đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 20 năm qua tăng 11,5%/năm. Thu ngân sách tăng bình quân 19,8%/ năm; năm 2016, số thu tăng gấp 31 lần so với năm 1997. Thu nhập bình quân đầu người năm 2016 đạt 26,5 triệu đồng, tăng 21 lần so với năm 1997. Lương thực bình quân đầu người tăng hơn 2 lần. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Sản xuất nông - lâm nghiệp phát triển khá toàn diện với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 7,3%/ năm. Từ một nền kinh tế thuần nông, tỉnh đã từng bước hình thành một số diện tích cây trồng tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao. Toàn tỉnh có 5 sản phẩm được cấp chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể. Sản xuất lâm nghiệp có bước phát triển mạnh, diện tích trồng rừng bình quân đạt trên 6.000ha/năm. Với độ che phủ rừng đến năm 2016 đạt trên 71%, Bắc Kạn trở thành một trong những tỉnh có độ che phủ rừng cao nhất cả nước. Năng lực sản xuất công nghiệp của tỉnh có nhiều tiến bộ. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp tăng trưởng bình quân gần 16%, bắt đầu hình thành các phân ngành công nghiệp như chế biến khoáng sản, chế biến gỗ, nông sản. Hoạt động thương mại, dịch vụ có chuyển biến tích cực với tốc độ tăng bình quân 16%/năm…

Với nhiều nỗ lực vượt bậc trong 20 năm qua, năm 2015, thị xã Bắc Kạn được công nhận đô thị loại III; Hồ Ba Bể được công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt. Ngày 1/1/2017, tỉnh Bắc Kạn long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm ngày tái lập tỉnh và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất, Bằng Di tích Quốc gia đặc biệt đối với Khu di tích ATK Chợ Đồn.

Điểm đến hấp dẫn du khách

Được thiên nhiên ưu đãi ban tặng nhiều cảnh quan kỳ thú, Bắc Kạn là điểm đến thu hút du khách trong nước và quốc tế, đặc biệt là Vườn Quốc gia Ba Bể - danh lam thắng cảnh nổi tiếng đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa Quốc gia (năm 1996), di tích Quốc gia đặc biệt (năm 2012), cùng với Hồ Ba Bể - một trong 20 hồ nước ngọt tự nhiên đặc biệt của thế giới.

 Lung linh Hồ Ba Bể (ảnh: Internet)

Vườn quốc gia Ba Bể có tổng diện tích là 10.048ha, gồm một phức hệ sông, hồ, rừng trên núi đá vôi. Nơi đây có 1.268 loài thực vật bậc cao, trong đó có nhiều loài thực vật quý hiếm có giá trị được ghi vào Sách Đỏ của Việt Nam và Thế giới. Các loài cây gỗ quý, hiếm như: Nghiến, Đinh, Lim, Trúc dây, Lát hoa, trong đó, Trúc dây là một loài tre đặc hữu của Ba Bể thường mọc tại các vách núi, tạo cảnh quan rất đẹp.

Bên cạnh đó, Vườn Quốc gia Ba Bể được đánh giá là trung tâm đa dạng và đặc hữu cao nhất về loài lan của Việt Nam và toàn vùng Đông Nam Á với 182 loài lan, một số loài lan là đặc hữu, chỉ phát hiện thấy duy nhất ở vùng này. Khu hệ động vật rất phong phú với 470 loài động vật có xương sống, trong đó có nhiều loài đặc hữu quý hiếm như Voọc đen má trắng, Gấu ngựa, Vạc hoa, Cá cóc bụng hoa… Khu hệ cá có 106 loài cá thuộc 61 giống, 17 họ và 5 bộ.

Trung tâm của Vườn là Hồ Ba Bể nằm ở độ cao khoảng 178m so với mực nước biển với chiều dài 8km và chiều rộng 500m, đây là hồ nước ngọt tự nhiên rộng nhất và cao nhất ở Việt Nam, được ví như “Vịnh Hạ Long trên núi”. Hồ sâu trung bình từ 17 đến 23m, điểm sâu nhất khoảng 35m. Diện tích mặt hồ dao động từ 300 đến 500ha theo mùa. Năm 1995, hồ Ba Bể đã được Hội nghị các Hồ nước ngọt thế giới, tổ chức tại Mỹ công nhận là một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt của thế giới cần được bảo vệ. Cuối năm 2004, Vườn quốc gia Ba Bể được công nhận là Vườn di sản Asean. Năm 2011, hồ Ba Bể được Ban thư ký công ước Ramsar công nhận là khu Ramsar (vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế) thứ 1938 của thế giới và là khu Ramsar thứ 3 của Việt Nam. Năm 2012, Hồ Ba Bể được cấp Bằng Di tích Quốc gia đặc biệt. Hiện nay, tỉnh Bắc kạn đang phối hợp với tỉnh Tuyên Quang lập Hồ sơ trình Tổ chức UNESCO công nhận Khu Di sản thiên nhiên Ba Bể - Na Hang là Di sản thiên nhiên thế giới.

Bên cạnh đó, Bắc Kạn cũng được biết đến với nhiều di tích lịch sử quan trọng. Nổi bật là quần thể di tích lịch sử ATK - Chợ Đồn với 6 di tích lịch sử cấp quốc gia (Bản Ca, Nà Pậu, Khuổi Linh, Bản Bẳng, Nà Quân, Đồi Khau Mạ), 4 di tích lịch sử cấp tỉnh (Nà Pay, Phja Tắc, Đồi Khuổi Đăm, Nà Kiến) và 16 di tích đã kiểm kê. Nơi đây đã ghi dấu hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954); là điểm du lịch hấp dẫn, có giá trị sâu sắc trong giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Đầu năm 2017, Khu di tích ATK - Chợ Đồn đã được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Bên cạnh đó, Bắc Kạn còn có Di tích lịch sử Nà Tu (xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông) là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Đây là nơi Bác Hồ đã tặng lực lượng thanh niên xung phong 4 câu thơ bất hủ “Không có việc gì khó - Chỉ sợ lòng không bền - Đào núi và lấp biển - Quyết chí ắt làm nên”. Hay Di tích lịch sử Đồn Phủ Thông, Đèo Giàng với những chiến thắng quan trọng của quân và dân ta trong kháng chiến chống Pháp….

 Khu di tích lịch sử Nà Tu, Cẩm Giàng, Bạch Thông (Ảnh: Internet)

Ngoài ra, với cộng đồng dân cư gồm 7 dân tộc (Tày, Nùng, Dao, Kinh, Sán Chay, Mông, Hoa), Bắc Kạn được biết đến là mảnh đất giàu bản sắc văn hóa. Những phong tục, tập quán của các cộng đồng dân cư trong đời sống sinh hoạt, sản xuất hàng ngày, trong các làn điệu dân ca, dân vũ, các nghi thức tâm linh, lễ hội truyền thống đã tạo nên nét đặc sắc riêng có của nền văn hóa. Đến với các bản làng vùng cao của Bắc Kạn, du khách có thể tham gia các lễ hội độc đáo như Hội xuân Ba Bể, Lễ hội Mù Là (Pác Nặm), Chợ tình Xuân Dương (Na Rì), Hội Lồng tồng Bằng Vân (Ngân Sơn). Thưởng thức các làn điệu hát Sli, hát Then, hát Lượn độc đáo. Trải nghiệm nét độc đáo của nếp nhà sàn, của các món ăn dân tộc…

Mảnh đất cho các nhà đầu tư

  Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Bắc Kạn đặt ra mục tiêu quan trọng là xây dựng môi trường kinh doanh thực sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn, thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh, tạo động lực thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Trong giai đoạn hiện nay, tỉnh Bắc Kạn xác định trọng tâm thu hút đầu tư vào phát triển nông, lâm nghiệp; ưu tiên các đề án, dự án phát triển vùng sản xuất lúa chất lượng cao; các loại rau củ, quả dong riềng, thuốc lá; các loại cây ăn quả cam quýt, hồng không hạt; sản xuất, chế biến, kinh doanh chè; chăn nuôi gia súc theo mô hình tập trung, nhất là phát triển chăn nuôi lợn theo hình thức gia trại và trang trại. Trong lâm nghiệp, tỉnh chú trọng thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển vùng nguyên liệu cho các nhà máy, trong đó ưu tiên phát triển trồng rừng và cải tạo diện tích rừng kinh doanh sản xuất.

Đối với phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ công cộng, trong giai đoạn 2016 -2020, tỉnh chủ trương tiếp tục khuyến khích và thu hút mọi nguồn lực đầu tư ưu tiên cho phát triển cơ sở hạ tầng như: Đầu tư xây dựng công trình văn hóa, du lịch, vui chơi giải trí, trọng tâm là công trình văn hóa gắn với du lịch lễ hội, tâm linh; xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu đô thị thương mại - dịch vụ; tăng cường phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các công trình hạ tầng về viễn thông, thông tin liên lạc, hệ thống truyền tải cung cấp điện. Nâng cấp và mở rộng các tuyến đường tỉnh lộ, huyện lộ.

Đối với các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch, Bắc Kạn có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch sinh thái kết hợp với du lịch lịch sử như Khu du lịch sinh thái Vườn quốc gia Ba Bể, Hồ Nặm Cắt, Cụm di tích lịch sử chiến thắng Phủ Thông - Đèo Giàng, Khu di tích lịch sử ATK - Chợ Đồn, di tích lịch sử Nà Tu. Tỉnh cũng khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong nước đầu tư phát triển và hoàn thiện hạ tầng giao thông vận tải, thương mại, nhà hàng khách sạn, dịch vụ du lịch, đưa Bắc Kạn trở thành trung tâm du lịch vùng Đông Bắc...

 Bắc Kạn tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

Để nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tăng cường xúc tiến đầu tư, thời gian qua, công tác cải cách thủ tục hành chính được các cấp chính quyền trong tỉnh xác định là bước đột phá để cải thiện môi trường đầu tư. Tháng 12/2016, UBND tỉnh đã thành lập và đưa vào hoạt động Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả một cửa liên thông Văn phòng UBND tỉnh Bắc Kạn. Hiện nay, Bộ phận một cửa liên thông đang thực hiện tiếp nhận và giải quyết 38 thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, tài nguyên và môi trường, nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài chính, công thương, giao thông vận tải, xây dựng. Cùng với bộ phận một cửa liên thông, các sở ngành của tỉnh cũng đã tăng cường rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính cũng như nâng cao chất lượng hoạt động bộ phận một cửa tại đơn vị, qua đó cắt giảm tối đa giấy tờ, thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.

Cùng với công tác cải cách thủ tục hành chính, Bắc Kạn cũng rất chú trọng đến các cơ chế, chính sách ưu đãi dành cho nhà đầu tư. Hiện nay, tỉnh đã và đang tăng cường hoàn thiện các cơ chế chính sách hỗ trợ đối với các lĩnh vực ưu tiên thu hút, nhất là lĩnh vực nông - lâm nghiệp, du lịch, cơ sở hạ tầng và dịch vụ công cộng. Khi đầu tư vào các lĩnh vực này, nhà đầu tư được hưởng nhiều cơ chế ưu đãi về giá thuê mặt bằng, cung ứng và đào tạo lao động; được tạo điều kiện liên kết đào tạo nghề giữa nhà đầu tư với các trường dạy nghề trong tỉnh; các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu... Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng được tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn vốn, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình đầu tư kinh doanh…

Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, cùng môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng, thuận lợi, Bắc Kạn là mảnh đất tiềm năng dành cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước./.

Thu Hiền (tổng hợp)