PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

11/10/2017
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Tuyên Quang - Điểm đến hấp dẫn
Tuyên Quang có diện tích 5.867,9km2, dân số: 760.289 người (năm 2015). Tuyên Quangcó 07 đơn vị hành chính, bao gồm Thành phố Tuyên Quang (đô thị loại III) và 6 huyện: Sơn Dương, Yên Sơn, Hàm Yên, Chiêm Hóa, Na Hang và Lâm Bình.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Tuyên Quang có diện tích 5.867,9km2, dân số: 760.289 người (năm 2015). Tuyên Quang có 07 đơn vị hành chính, bao gồm Thành phố Tuyên Quang (đô thị loại III) và 6 huyện: Sơn Dương, Yên Sơn, Hàm Yên, Chiêm Hóa, Na Hang và Lâm Bình.

Điều kiện tự nhiên thuận lợi

Tuyên Quang là tỉnh miền núi phía Đông Bắc, cách thủ đô Hà Nội khoảng 165km; phía Bắc giáp tỉnh Hà Giang, phía Đông giáp tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên, phía Tây giáp tỉnh Yên Bái và phía Nam giáp tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ.

Khí hậu Tuyên Quang được chia thành 4 mùa rõ rệt: Xuân, Hạ, Thu, Đông; trong đó mùa Đông khô, lạnh và mùa Hạ nóng, ẩm, mưa nhiều. Lượng mưa trung bình năm 1.500mm - 1.800mm, nhiệt độ trung bình 22ᵒC - 24ᵒC, độ ẩm bình quân năm 85%. Diện tích đất tự nhiên 5.867km². Nền đất có kết cấu tốt nên thuận lợi cho các công trình công nghiệp và kết cấu hạ tầng.

Tuyên Quang có nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú, trong đó các loại khoáng sản phân bố tập trung ở một số khu vực, mỗi khu vực có nhiều loại khoáng sản có thể khai thác kết hợp như: Quặng sắt, ba rít, cao lanh, thiếc, mangan, chì - kẽm, Vonfram...; là nguồn nguyên liệu cho phát triển công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng.

Lòng hồ thủy điện Tuyên Quang (ảnh: Internet)

Tuyên Quang có nhiều sông suối lớn. Mạng lưới sông ngòi của tỉnh tương đối dày với mật độ 0.9km/km² và phân bố đồng đều. Hệ thống sông suối này, ngoài ý nghĩa sinh thái và phục vụ sản xuất, đời sống, còn chứa đựng nhiều tiềm năng phát triển thuỷ điện. Trong đó có các sông lớn như Sông Lô, chảy qua tỉnh dài 145km, lưu lượng lớn nhất 11.700 m3/giây. Sông Gâm, chảy qua tỉnh dài 170km, có khả năng vận tải đường thuỷ, nối các huyện Na Hang, Chiêm Hoá với tỉnh lỵ; sông Phó Đáy, chảy trên địa phận Tuyên Quang dài 84km.

Truyền thống lịch sử hào hùng

Trong cách mạng Tháng Tám, Tuyên Quang vinh dự là Thủ đô Khu giải phóng, được Trung ương Đảng và Bác Hồ chọn làm trung tâm của cách mạng cả nước. Tại Tân Trào - Sơn Dương - Tuyên Quang đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử gắn liền với vận mệnh dân tộc: Hội nghị toàn quốc của Đảng quyết định chủ trương lãnh đạo toàn dân Tổng khởi nghĩa giành chính quyền và cử ra Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc; Quốc dân Đại hội họp tại đình Tân Trào thành lập Uỷ ban dân tộc giải phóng tức Chính phủ lâm thời do Bác Hồ làm Chủ tịch.

Trong những năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Tuyên Quang là Thủ đô Kháng chiến, nơi đồng bào cả nước “trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền”; nhân dân các dân tộc Tuyên Quang đã luôn luôn làm tròn nhiệm vụ thiêng liêng: Xây dựng, bảo vệ An toàn khu (ATK); bảo vệ Bác Hồ, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận cùng nhiều bộ, ban, ngành Trung ương; bảo vệ các cơ quan đầu não của Cách mạng Lào. Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang đóng góp phần quan trọng, to lớn vào cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, lập nhiều chiến công vang dội trên chiến trường, đập tan các cuộc tấn công lên Việt Bắc của giặc Pháp. Bình Ca, Cầu Cả, Khe Lau..., là những địa danh lịch sử làm rạng rỡ tinh thần chiến đấu quả cảm, mưu trí, sáng tạo của quân, dân Tuyên Quang trong chiến dịch Việt Bắc (Thu - Đông 1947).

 Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói chuyện với đồng bào Tuyên Quang đưới cây đa Tân Trào
(ảnh: Internet)

Tại Tuyên Quang, nhiều hội nghị quan trọng của Trung ương Đảng, Chính phủ được triệu tập. Đặc biệt, Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ II (họp tại Kim Bình, Chiêm Hoá từ ngày 11 đến ngày 19 tháng 2 năm 1951), là Đại hội đầu tiên của Đảng được tổ chức ở trong nước. Đại hội đã bổ sung, hoàn chỉnh đường lối kháng chiến, kiến quốc, đề ra nhiệm vụ xây dựng Đảng Lao động Việt Nam vững mạnh, quyết định những chủ trương, biện pháp đưa cuộc kháng chiến trường kỳ, oanh liệt của dân tộc ta đến thắng lợi. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang tiếp tục xây dựng hậu phương vững mạnh, làm tròn nhiệm vụ của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn, đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Truyền thống yêu nước, đoàn kết, cách mạng, tinh thần đấu tranh anh dũng của lớp lớp cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang đã để lại những bài học quý giá, những tấm gương sáng ngời cho các thế hệ mai sau học tập, noi theo.

Nền văn hóa đậm đà bản sắc

Tuyên Quang có 22 dân tộc cư trú, ở mỗi cộng đồng dân tộc đều có những nét văn hoá, phong tục tập quán từ lâu đời, đã được hình thành và phát triển qua hàng trăm năm vỡ đất lập bản, lập làng. Chính những nét đặc trưng của văn hoá cấu kết trong cộng đồng dân cư, tạo nên những sắc thái riêng biệt và trở thành những di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, đóng góp cho kho tàng văn hóa của cả nước.

 Hội đua thuyền trên sông Lô (ảnh: Internet)

Tuyên Quang được ví là hình ảnh thu nhỏ của vùng văn hoá Việt Bắc. Những giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống tinh thần của các dân tộc thể hiện rõ nét qua các nghi lễ như thờ cúng tổ tiên, đám ma, đám cưới; các làn điệu dân ca, dân vũ như Then, Cọi, Quan làng (dân tộc Tày), Páo dung (dân tộc Dao), Sình ca (dân tộc Cao Lan), Soọng cô (dân tộc Sán Dìu)… Đặc biệt, các lễ hội của cộng đồng dân tộc thiểu số được lưu truyền qua nhiều đời với các nghi thức độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc. Nổi bật như Lễ Cấp sắc của dân tộc Dao Đỏ, xã Bình Phú (Chiêm Hóa); Lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn, xã Hồng Quang (Chiêm Hóa); Lễ hội đình làng Minh Cầm, xã Đội Bình (Yên Sơn), Hội đua thuyền trên sông Lô (được phát triển từ môn thể thao bơi chải trên sông Lô từ những năm cuối của thế kỷ XX, là nét đẹp truyền thống trong đời sống sinh hoạt văn hóa của nhân dân các dân tộc nơi đây…)

Điểm đến du lịch và hợp tác đầu tư

Tuyên Quang xác định thế mạnh phát triển là nông nghiệp, du lịch, công nghiệp hỗ trợ căn cứ vào lợi thế vùng nguyên liệu, giao thông và lao động. Theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Tuyên Quang đến năm 2020, tỉnh sẽ có 7 khu, cụm công nghiệp gồm Khu công nghiệp Long Bình An, Khu công nghiệp Sơn Nam và Cụm công nghiệp An Thịnh (tại huyện Chiêm Hóa), Khuôn Phươn (tại Na Hang), Thắng Quân (huyện Yên Sơn), Thổ Bình (huyện Lâm Bình), Tân Thành (huyện Hàm Yên).

Thời gian qua, chính quyền các cấp tỉnh Tuyên Quang đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm tối thiểu 30% thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thân thiện, hấp dẫn nhà đầu tư.

Tỉnh cam kết sẽ thực hiện một số chính sách thu hút đầu tư như miễn tiền thuê đất trong suốt quá trình thực hiện dự án và miễn 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế, giảm 50% số thuế phải nộp cho 9 năm tiếp theo đối với dự án đầu tư tại các huyện Lâm Bình, Na Hang, Chiêm Hóa…. miễn 2 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế, giảm 50% số thuế phải nộp cho 4 năm tiếp theo đối với dự án đầu tư mới tại TP. Tuyên Quang và các huyện Yên Sơn, Sơn Dương, Hàm Yên. Tỉnh còn miễn tiền thuê đất 15 năm kể từ khi dự án đi vào hoạt động đối với các dự án đầu tư tại TP. Tuyên Quang và các huyện Yên Sơn, Sơn Dương, Hàm Yên. Đặc biệt, Tuyên Quang còn hỗ trợ kinh phí đào tạo lao động, hỗ trợ 50% khóa học đào tạo trong nước, tối đa 2 triệu đồng/người/khóa học.

 Lễ hội thành Tuyên - điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh Tuyên Quang

Đối với du lịch, khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào với các địa danh như lán Nà Nưa, đình Tân Trào, đình Hồng Thái, lán Hang Bòng, cụm di tích ATK Kim Quan… từ lâu là địa chỉ đỏ không thể thiếu cho các hoạt động du lịch về nguồn. Hiện nay, khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào đang được đầu tư, xây dựng để trở thành Khu du lịch quốc gia. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đầu tư phát triển khu du lịch sinh thái Na Hang với nhiều địa điểm tham quan, trải nghiệm lý tưởng như làng chài Phúc Yên, núi Pắc Tạ… Những năm gần đây, Lễ hội Thành Tuyên được phục dựng, tổ chức với nhiều hoạt động hấp dẫn, kết hợp giữa một số lễ hội truyền thống (như lễ hội đền Hạ, hội đua thuyền trên sông Lô) và một số hoạt động văn hóa khác như hội hoa xuân đường phố, liên hoan nghi lễ chầu văn, đêm hội Thành Tuyên với nhiều mô hình đèn lớn và độc đáo… là điểm đến hấp dẫn với du khách cả nước.

Với những lợi thế về điều kiện tự nhiên, truyền thống lịch sử và bản sắc văn hóa dân tộc, Tuyên Quang là điểm đến hấp dẫn với du khách và các nhà đầu tư trong và ngoài nước./.

Thu Hiền (tổng hợp)