PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

11/10/2017
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Thái Nguyên - Tiềm năng và cơ hội phát triển
Tỉnh Thái Nguyên là trung tâm chính trị, kinh tế của khu Việt Bắc nói riêng, của vùng trung du miền núi đông bắc nói chung, là cửa ngõ giao lưu kinh tế xã hội giữa vùng trung du miền núi với vùng đồng bằng Bắc Bộ.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Tỉnh Thái Nguyên là trung tâm chính trị, kinh tế của khu Việt Bắc nói riêng, của vùng trung du miền núi đông bắc nói chung, là cửa ngõ giao lưu kinh tế xã hội giữa vùng trung du miền núi với vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Vị trí địa lý; đơn vị hành chính

Tỉnh Thái Nguyên là cửa ngõ giao lưu kinh tế xã hội giữa vùng trung du miền núi với vùng đồng bằng Bắc Bộ, trong đó: Phía Bắc tiếp giáp với tỉnh Bắc Kạn; phía Tây giáp với các tỉnh Vĩnh PhúcTuyên Quang; phía Đông giáp với các tỉnh Lạng SơnBắc Giang; phía Nam tiếp giáp với thủ đô Hà Nội (cách 80 km).

 Trung tâm Thành phố Thái Nguyên (ảnh: Internet)

Thái Nguyên có vị trí rất thuận lợi về giao thông, cách sân bay quốc tế nội bài 50km, cách biên giới Trung Quốc 200km, cách trung tâm Hà Nội 75km và cảng Hải Phòng 200km. Đây cũng là điểm nút giao lưu thông qua hệ thống đường bộ, đường sắt, đường sông hình rẻ quạt kết nối với các tỉnh thành gồm: Đường quốc lộ 3 từ Hà Nội đi Bắc Kạn, Cao Bằng và cửa khẩu Việt Nam - Trung Quốc; quốc lộ 1B đi Lạng Sơn; quốc lộ 37 đi Bắc Ninh, Bắc Giang; hệ thống đường sông Đa Phúc - Hải Phòng; đường sắt Thái Nguyên - Hà Nội - Lạng Sơn.

Tỉnh Thái Nguyên có tổng diện tích tự nhiên là 3.562,82km², với 9 đơn vị hành chính: Thành phố Thái Nguyên, thành phố và 7 huyện: Phổ YênPhú BìnhĐồng HỷVõ NhaiĐịnh HóaĐại TừPhú Lương.

Điều kiện tự nhiên, dân cư

Địa hình không phức tạp lắm so với các tỉnh trung du, miền núi khác là một thuận lợi của Thái Nguyên cho canh tác nông lâm nghiệp và phát triển kinh tế xã hội nói chung so với các tỉnh trung du miền núi khác.

Khí hậu chia làm 2 mùa rõ rệt, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 và mùa khô từ tháng 10 đến tháng 5 năm sau. Lượng mưa trung bình hàng năm khoảng 2.000 đến 2.500mm; cao nhất vào tháng 8 và thấp nhất vào tháng 1. Mùa đông được chia thành 3 vùng rõ rệt: Vùng lạnh nhiều nằm ở phía bắc huyện Võ Nhai; vùng lạnh vừa gồm các huyện Định Hóa, Phú Lương và phía nam huyện Võ Nhai; Vùng ấm gồm các huyện Đại Từ,  Đồng Hỷ, Phú Bình, Phổ Yên, Thành phố Thái Nguyên và Thành phố Sông Công. Nhiệt độ chênh lệch giữa tháng nóng nhất (tháng 6 - 28,9°C) với tháng lạnh nhất (tháng 1 - 15,2°C) là 13,7°C. Tổng số giờ nắng trong năm dao động từ 1.300 đến 1.750 giờ và phân phối tương đối đều cho các tháng trong năm. Nhìn chung, khí hậu tỉnh Thái Nguyên thuận lợi cho phát triển ngành nông, lâm nghiệp.

Dân số  có gần 1,3 triệu người, gồm 8 dân tộc là Kinh, Tày, Nùng, Sán Dìu, H’Mông, Sán chay, Hoa và Dao. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên hàng năm là 0,99%.

Tiềm năng phát triển

* Tiềm năng về nông lâm nghiệp

Được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu và đất đai, Thái Nguyên có nhiều khả năng phát triển nông lâm nghiệp. Chè Thái Nguyên, đặc biệt là chè Tân Cương là sản phẩm nổi tiếng trong cả nước Việt Nam đã từ lâu. Toàn tỉnh hiện có trên 21.000ha chè; trong đó trên 80% diện tích chè tại các vùng sản xuất tập trung được sản xuất theo hướng an toàn, áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt; 80% sản lượng được chế biến bằng phương pháp truyền thống, cơ giới hoá bằng máy tôn quay, máy vò và dây truyền chế biến quy mô nhỏ tại 43 hợp tác xã và hơn 60 nghìn hộ tại 140 làng nghề sản xuất, chế biến chè với sản phẩm chủ yếu là chè xanh và chè xanh cao cấp. Thu nhập từ cây chè tại Thái Nguyên đã đạt trung bình trên 100 triệu đồng/ha/năm. Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên đang triển khai Đề án nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững cây chè với tổng vốn đầu tư dự kiến đến năm 2020 là trên 220 tỷ đồng.

 Chè được định hướng là cây trồng chủ lực phát triển kinh tế của Thái Nguyên (ảnh: Internet)

Thái Nguyên có diện tích rừng và đất lâm nghiệp gần 180 nghìn ha, chiếm 50,9% tổng diện tích đất tự nhiên. Từ năm 2010 đến 2015, tổng diện tích rừng trồng tập trung được trên 22.000ha. Toàn tỉnh có gần 1.000 cơ sở kinh doanh, sơ chế lâm sản và sản xuất đồ gia dụng. Với diện tích đất đồi còn rất lớn và điều kiện khí hậu thuận lợi là tiềm năng để đầu tư phát triển rừng sản xuất, quy hoạch xây dựng các vùng trồng rừng gỗ lớn tập trung, trồng rừng thâm canh để cung cấp nguyên liệu cho chế biến sản phẩm gỗ cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Thái Nguyên cũng là địa phương có tiềm năng phát triển các loại cây ăn quả. Một số loại cây ăn quả đã và đang được đầu tư phát triển với diện tích lớn phải kể đến là vải, nhãn với 4.600ha, sản lượng 17,8 nghìn tấn quả/năm; cây chuối có trên 1.800ha, sản lượng 24,7 nghìn tấn quả/năm; cây na gần 790ha, sản lượng đạt 6.500 tấn quả/năm. Để phát triển cây ăn quả theo hướng sản xuất hàng hoá, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân, thời gian qua, địa phương đã chỉ đạo làm tốt công tác quy hoạch; đồng thời, khuyến khích các hộ dân sản xuất cây ăn quả theo mô hình trang trại hoặc thành lập nhóm hộ, hợp tác xã và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng và thực hiện các mô hình sản xuất cây ăn quả đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy trình VietGAP. Tỉnh cũng hướng tới ban hành chính sách đặc thù cho các cá nhân, doanh nghiệp chế biến, thu mua sản phẩm hoa quả nói riêng và đầu tư vào nông nghiệp nói chung.

* Tiềm năng về tài nguyên khoáng sản

Nhìn chung tài nguyên khoáng sản của tỉnh Thái Nguyên rất phong phú về chủng loại, đó là một lợi thế so sánh lớn trong việc phát triển các ngành công nghiệp luyện kim, khai khoáng… Tỉnh Thái Nguyên khuyến khích các dự án đầu tư chế biến sâu khoáng sản.

Tỉnh Thái Nguyên có trữ lượng than lớn thứ hai trong cả nước. Than mỡ trữ lượng trên 15 triệu tấn và than đá trữ lượng khoảng 90 triệu tấn. Ti tan có trữ lượng thăm dò khoảng 18 triệu tấn. Kim loại màu có thiếc, chì, kẽm,vonfram, vàng, đồng, niken, thuỷ ngân… Hiện nay, thiếc đã được khai thác và xuất khẩu. Mỏ Vonfram tại huyện Đại Từ đã được công ty nước ngoài khảo sát thăm dò, là mỏ lớn có trữ lượng lớn tầm cỡ thế giới. Khoáng sản vật liệu xây dựng là tiềm năng nguyên liệu rất lớn để sản xuất xi măng, sản xuất đá ốp lát các loại và sản xuất vật liệu xây dựng.

* Tiềm năng về du lịch

Thái Nguyên có nhiều du lịch nổi tiếng như: Khu du lịch Hồ Núi Cốc, Khu du lịch Hang Phượng Hoàng, Khu di tích lịch sử ATK huyện Định Hoá, Suối Mỏ Gà, Khu Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam (tại thành phố Thái Nguyên) và các công trình kiến trúc nghệ thuật đền chùa như Đền Đuổm (Phú Lương), chùa Hang (Đồng Hỷ), chùa Phủ Liễn, đền Xương Rồng, đền Đội Cấn (thành phố Thái Nguyên).

 Khu du lịch ATK Định Hóa (ảnh: Internet)

Với nhiều điểm đến hấp dẫn, Thái Nguyên có thể hình thành các tuyến du lịch nối các điểm tham quan, du lịch trong tỉnh với các điểm du lịch của các tỉnh lân cận, như đến cây đa Tân Trào (Tuyên Quang); Hồ Ba Bể (Bắc Kạn); Pắc Bó (Cao Bằng); Động Tam Thanh, Nhị Thanh và núi Mẫu Sơn (Lạng Sơn); Tam Đảo - Hồ Đại Lải (Vĩnh Phúc); Đền Hùng (Phú Thọ); Côn Sơn, Yên Tử, Đền Kiếp Bạc (Hải Dương).

* Tiềm năng về nguồn nhân lực

Thái Nguyên hiện được đánh giá là trung tâm đào tạo nhân lực lớn thứ 3 cả nước chỉ đứng sau Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Thái Nguyên hiện có 7 trường Đại học là Đại học Sư phạm, Đại học Kỹ thuật - Công nghiệp, Đại học Nông - Lâm, Đại học Y - Dược, Đại học Khoa học, Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông và 1 trường Cao đẳng là Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật thuộc Đại học Thái Nguyên. Ngoài ra còn có nhiều trường Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề đáp ứng yêu cầu về cán bộ khoa học kỹ thuật và công nhân lành nghề cho nhiều tỉnh lân cận và cả nước.

Thành tựu kinh tế - xã hội

Giai đoạn 2011 - 2015 tỉnh Thái Nguyên đã đạt được những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt bình quân 13,1%/năm, vượt mục tiêu đề ra, cao hơn mức bình quân chung của cả nước và các địa phương trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Riêng năm 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 25,2%.

Quy mô nền kinh tế và năng lực sản xuất các ngành đều tăng. GDP theo giá hiện hành đạt 55.238 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với năm 2010, GDP bình quân đạt 46,4 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực, tỷ trọng công nghiệp, xây dựng tăng từ 39,5% năm 2010 lên 49% năm 2015; nông nghiệp giảm từ 21,3% xuống còn 16,9%. Cơ cấu lao động cũng có sự chuyển dịch tích cực, tỷ lệ lao động nông, lâm nghiệp, thuỷ sản trong tổng số lao động giảm bình quân khoảng 3%/năm; cơ cấu lao động trong công nghiệp, xây dựng tăng từ 15,61% năm 2010 lên 25,8% năm 2015; dịch vụ từ 17,67% năm 2010 lên 25,2% năm 2015.

Tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm 2011 - 2015 ước đạt 121.512 tỷ đồng, gấp 3,5 lần so với giai đoạn 2006 - 2010, chiếm 64% GDP. Trong 5 năm, tổng vốn FDI thực hiện đạt 2.965,6 triệu USD, tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt 7.309,2 triệu USD…. Nhờ thu hút được một khối lượng lớn các nguồn vốn đầu tư phát triển, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được cải thiện đáng kể, năng lực sản xuất tăng nhanh, tạo tiền đề thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân...

Năm 2016, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 15,2% so với năm 2015. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân đầu người đạt 52 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 6,6 triệu đồng so với năm 2015 và vượt kế hoạch đề ra. Giá trị sản xuất công nghiệp cả năm (theo giá so sánh năm 2010) đạt hơn 477 nghìn tỷ đồng, tăng 26,7% cùng kỳ và bằng 109% kế hoạch năm. Giá trị sản xuất nông lâm nghiệp đạt 12.158 tỷ đồng, tăng 5,3% so với cùng kỳ. Giá trị nhập khẩu đạt 11,8 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội cả năm 2016 đạt 22,3 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với năm 2015. Tổng vốn đầu tư trên địa bàn đạt 45,8 nghìn tỷ đồng. Đến nay, có 5.384 doanh nghiệp dân doanh, tỷ lệ người dân/doanh nghiệp là 230 người/doanh nghiệp (cả nước là 160 người/doanh nghiệp).

Định hướng phát triển và chính sách thu hút đầu tư

Giai đoạn 2016 - 2020 tỉnh Thái Nguyên đặt ra mục tiêu: Xây dựng tỉnh Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, đi đầu trong vùng trung du và miền núi phía Bắc và là trung tâm của vùng về phát triển công nghiệp, dịch vụ, nhất là dịch vụ giáo dục - đào tạo; có cơ cấu kinh tế hiện đại với tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chiếm hơn 85% GDP toàn tỉnh (đến năm 2020). Tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, với các sản phẩm chủ lực có sức cạnh tranh cao, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại với mạng lưới giao thông đối ngoại đồng bộ và hiện đại…

Để thực hiện mục tiêu cụ thể, tỉnh Thái Nguyên đề ra những nhiệm vụ trọng tâm như: Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng tập trung vào 3 lĩnh vực quan trọng nhất là tái cơ cấu đầu tư công; tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước; tái cơ cấu thị trường tài chính. Phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế công nghiệp, nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản các ngành dịch vụ, nhất là các dịch vụ có giá trị gia tăng cao, có tiềm năng lớn và có sức cạnh tranh… Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực. Phát triển khoa học công nghệ và kinh tế tri thức; phát triển văn hóa, thực hiện có hiệu quả tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, tạo bước tiến bộ rõ rệt về thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Tập trung giải quyết vấn đề việc làm và thu nhập cho người lao động, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Bảo vệ và cải thiện môi trường, chủ động phòng tránh thiên tai, ứng phó có hiệu quả với tình trạng biến đổi khí hậu. Phát triển hài hòa, bền vững các vùng, xây dựng đô thị và nông thôn mới…

Tỉnh Thái Nguyên phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại
(ảnh: Khu công nghiệp Thụy Điềm, huyện Phú Bình)

Nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư tham gia đầu tư trên địa bàn, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành và tích cực thực hiện Đề án “Cải thiện môi trường đầu tư” giai đoạn 2011 - 2015, trong đó tập trung đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và bồi thường giải phóng mặt bằng. Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, hoàn thiện các quy định pháp lý, xây dựng các cơ chế chính sách về đầu tư của tỉnh, hoàn thiện các thủ tục hành chính đồng bộ ở các ngành, các cấp. Tăng cường hiệu quả hoạt động một cửa, một cửa liên thông. Đẩy mạnh, đổi mới hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư và lựa chọn đầu tư. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ khoa học kỹ thuật và tay nghề cao đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư. Nâng cao trình độ năng lực chuyên môn của cán bộ, công chức để lãnh đạo, chỉ đạo và hoàn thành tốt nhiệm vụ góp phần cải cách hành chính - cải thiện môi trường đầu tư.

Tỉnh cũng ban hành Quy định về chính sách khuyến khích và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn. Theo đó, bên cạnh việc hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã, Luật Đất đai, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu…. và các quy định pháp luật khác có liên quan, khi thực hiện hoạt động đầu tư trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, nhà đầu tư còn được hưởng các chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư của tỉnh như: Hỗ trợ về đất đai và kết cấu hạ tầng (thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất để thực hiện đầu tư, hỗ trợ xây dựng hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào dự án); hỗ trợ tư vấn các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư; hỗ trợ xúc tiến thương mại; ưu đãi về giá thuê đất và miễn tiền thuê đất; ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu,  thuế giá trị gia tăng; hỗ trợ đào tạo nghề; hỗ trợ về chuyển giao, ứng dụng công nghệ...

Với tiềm năng và cơ hội đầu tư lớn, điều kiện đầu tư ngày càng thuận lợi hơn, tỉnh Thái Nguyên hứa hẹn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước./.

Thu Hiền (Tổng hợp)