PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

30/12/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Công đoàn Bắc Kạn không ngừng lớn mạnh cùng sự phát triển của tỉnh
25 năm qua, kể từ khi tỉnh nhà được tái lập, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn đã không ngừng lớn mạnh, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của tỉnh.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Các cá nhân nhận Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức Công đoàn Việt Nam” nhân dịp 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (Ảnh tư liệu)

Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Bắc Kạn được Tổng LĐLĐ Việt Nam quyết định thành lập vào ngày 28/12/1996, gồm 15 đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành và 3 đồng chí Ủy viên Ủy ban Kiểm tra chỉ đạo trực tiếp 1 công đoàn cấp trên cơ sở và 56 công đoàn cơ sở với 6.218 đoàn viên, công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ).

Qua mỗi nhiệm kỳ, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh luôn xác định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ, từ đó đề ra các giải pháp phù hợp với thực tế từng năm theo định hướng đổi mới, sáng tạo. Trong đó, công tác phát triển đoàn viên, thành lập và xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu, có tính quyết định kết quả hoạt động của công đoàn và xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh. Đến nay, toàn tỉnh đã phát triển được 699 công đoàn cơ sở thuộc tỉnh, 13 công đoàn cơ sở thuộc ngành Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, với tổng số 20.089 đoàn viên công đoàn.

Cùng với sự tăng nhanh về số lượng, tổ chức công đoàn không ngừng được đổi mới nội dung, phương thức, đặc biệt là nâng cao chất lượng hoạt động. Việc xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh vừa là tiền đề, vừa là điều kiện quyết định cho hoạt động công đoàn có hiệu quả, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ và vai trò đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho CNVCLĐ.

Trong giai đoạn 1997 - 2021, LĐLĐ tỉnh và các cấp công đoàn đã phối hợp tổ chức nhiều hội nghị lấy ý kiến của đoàn viên, CNVCLĐ tham gia xây dựng chính sách pháp luật có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ như: Tham gia ý kiến xây dựng dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật An toàn vệ sinh lao động; Bộ luật Lao động (sửa đổi), Luật Giáo dục (sửa đổi), Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; dự thảo văn kiện Đại hội Công đoàn các cấp, dự thảo báo cáo Ban Chấp hành LĐLĐ tỉnh khóa VI, VII, VIII tại các kỳ Đại hội Công đoàn tỉnh; dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam...; tham gia góp ý kiến vào 93 lượt dự thảo các thông tư, kế hoạch, quy định của các cấp, ngành, địa phương...

Cùng với đó, công đoàn các cấp tích cực tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở thông qua việc phối hợp với chính quyền cùng cấp tổ chức hội nghị cán bộ công chức, viên chức, hội nghị người lao động. LĐLĐ tỉnh còn hướng dẫn các công đoàn cơ sở xây dựng nội dung, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể với những điều khoản có lợi hơn cho người lao động. Kết quả nhiệm kỳ 2013 - 2018, 100% doanh nghiệp Nhà nước và 66% doanh nghiệp ngoài Nhà nước có tổ chức công đoàn thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể. Nửa nhiệm kỳ 2018 - 2023, 100% doanh nghiệp Nhà nước và 80% doanh nghiệp ngoài Nhà nước có tổ chức công đoàn thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể, đạt chỉ tiêu đề ra. Ngoài ra, LĐLĐ tỉnh tham gia cùng các ngành chức năng liên quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động, chế độ chính sách đối với người lao động tại 2.344 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Bên cạnh việc chăm lo quyền lợi, công tác chăm lo đời sống cho đoàn viên, CNVCLĐ luôn được các cấp Công đoàn trong tỉnh quan tâm. Từ năm 1998 đến nay, công đoàn các cấp đã tổ chức thăm hỏi, chuyển, trao trên 66.392 suất quà cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, các cháu học sinh nghèo vượt khó... với tổng trị giá trên 29,3 tỷ đồng. Chương trình nhà ở “Mái ấm công đoàn” được các cấp công đoàn thực hiện từ năm 2014, đã có 99 căn nhà “Mái ấm công đoàn” của CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn được xây dựng với tổng số tiền 1,8 tỷ đồng cùng 12 nhà công vụ, phòng học cho học sinh và giáo viên với tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng...

Nhằm tạo điều kiện cho CNVCLĐ vay để đầu tư phát triển kinh tế gia đình, từ năm 1998 đến nay, LĐLĐ tỉnh đã cho 841 CNVCLĐ vay để đầu tư phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm cho 229 lao động; 990 nữ đoàn viên được vay vốn với tổng số tiền 3.110 triệu đồng từ nguồn vốn thu hồi Quỹ “Vì nữ CNVCLĐ nghèo”. Cũng với đó, các cấp công đoàn còn tích cực vận động nữ CNVCLĐ tham gia học tập, nâng cao trình độ; đẩy mạnh phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Giai đoạn 1998 - 2020, có 9 tập thể, 14 cá nhân được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Bằng khen trong phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; 55 tập thể, 213 cá nhân được LĐLĐ tỉnh tặng bằng khen, 123.577 lượt nữ CNVCLĐ đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”.

Phong trào thi đua yêu nước đã khơi dậy tinh thần đoàn kết, cần cù, sáng tạo, phát huy cải tiến kỹ thuật, cải tiến lề lối làm việc trong CNVCLĐ. Từ 1998 đến nay, đã có 19.592 sáng kiến, kinh nghiệm được cấp có thẩm quyền công nhận. 

Kế thừa thành quả đã đạt được trong chặng đường qua và phát huy truyền thống giai cấp công nhân Việt Nam, trong chặng đường mới, với khí thế mới, CNVCLĐ và tổ chức công đoàn Bắc Kạn sẽ tiếp tục đoàn kết, năng động sáng tạo, phát huy tính tiên phong, gương mẫu, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, góp phần cùng với Đảng bộ, chính quyền thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, đưa Bắc Kạn ngày càng phát triển./.

Thu Trang