PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

20/01/2025
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Chú trọng đánh giá các tiêu chí về môi trường trong phân hạng sản phẩm OCOP
Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có Hướng dẫn về các tiêu chí bảo vệ môi trường trong Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData


Sản phẩm Trà Hoa vàng của Công ty TNHH Hà Diệp (thành phố Bắc Kạn) 

Bảo vệ môi trường nông thôn là một trong nhiệm vụ quan trọng cần quan tâm thực hiện song hành trong xây dựng nông thôn mới nói chung cũng như phát triển sản phẩm OCOP nói riêng nhằm hướng tới mục tiêu phát triển xanh, bền vững.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021 - 2025 ban hành tại Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 1/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Chương trình OCOP) có mục tiêu: “Phát triển sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn nhằm nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững”.

Một trong những mục tiêu cụ thể được xác định trong Chương trình này là: “Có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định; trong đó ưu tiên các sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng”.

Để đảm bảo các tiêu chí về bảo vệ môi trường trong quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, Bộ Tài nguyên và Môi trường Hướng dẫn

Các cơ sở sản xuất đối với 5 nhóm sản phẩm: Thực phẩm, Đồ uống, Dược liệu và sản phẩm từ Dược liệu; Hàng thủ công mỹ nghệ; Sinh vật cảnh phải có đầy đủ hồ sơ, thủ tục về môi trường, bao gồm Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM); cam kết bảo vệ môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc có Báo cáo ĐTM, Giấy phép môi trường hoặc Đăng ký môi trường được cấp có thẩm quyền cấp/tiếp nhận theo quy định.

Các cơ sở sản xuất thực hiện lắp đặt, vận hành hệ thống xử lý nước thải, khí thải theo quy định hiện hành, cụ thể như đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề cần xây dựng và thực hiện biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; thực hiện biện pháp giảm thiểu tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bụi, bức xạ nhiệt, khí thải, nước thải phải đấu nối với hệ thống xử lý chung của làng nghề (nếu có) hoặc xử lý tại chỗ…

Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải có thiết bị, dụng cụ, kho/khu vực lưu chứa chất thải rắn công nghiệp thông thường theo quy định; có hệ thống thu gom và xử lý nước thải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường trước khi thải vào nguồn tiếp nhận; có công trình xử lý khí thải hoặc công trình, thiết bị xử lý khí thải tại chỗ đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trong trường hợp có phát sinh khí thải phải xử lý theo quy định của pháp luật.

Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ quy mô hộ gia đình, cá nhân, hợp tác xã... có công trình, thiết bị xử lý nước thải, khí thải tại chỗ phù hợp với quy định.

Cơ sở sản xuất có hồ sơ minh chứng về sử dụng bao gói thân thiện với môi trường theo quy định, bao gồm: Quyết định chứng nhận Nhãn sinh thái Việt Nam đối với sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường hoặc Giấy chứng nhận túi nilon thân thiện với môi trường; Quyết định chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chí nhãn xanh Việt Nam còn hiệu lực. Tiêu chí các sản phẩm thân thiện môi trường thực hiện theo các quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Bên cạnh đó, cơ sở sản xuất phải áp dụng các công nghệ theo hướng bền vững môi trường là những công nghệ được phát triển và sử dụng nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững và ổn định; áp dụng công nghệ làm giảm thiểu ô nhiễm, giảm phát thải khí nhà kính, giảm chất thải, tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu; áp dụng công nghệ trong hoạt động xử lý/tái chế chất thải; áp dụng công nghệ trong tái sử dụng, tái chế phụ phẩm nông nghiệp.

Đối với nhóm sản phẩm Dịch vụ du lịch cộng đồng, phải có giải pháp cụ thể về bảo vệ môi trường như thu gom rác thải, nước thải sinh hoạt… Cùng với đó là triển khai mô hình cộng đồng tự quản về môi trường nhằm mô hình huy động sự tham gia tự nguyện của dân cư tại cộng đồng địa phương để thực hiện: Giữ gìn vệ sinh đường làng, ngõ xóm định kỳ; thúc đẩy thực hiện 3 sạch (sạch nhà - sạch ngõ - sạch bếp) của từng hộ gia đình; duy trì cảnh quan nông thôn xanh - sạch - đẹp - an toàn…/.

BH