PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

04/10/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Chung tay chống ô nhiễm rác thải nhựa, bảo vệ môi trường
Thời gian qua, cùng với việc tăng cường tuyên truyền, nâng nhận thức của người dân về chống ô nhiễm rác thải nhựa, tỉnh Bắc Kạn còn tập trung huy động mọi nguồn lực chung tay bảo vệ môi trường nhằm tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Rác thải nhựa được phân loại và xử lý bằng công nghệ đốt tại Nhà máy xử lý rác thành phố Bắc Kạn

Thực trạng về rác thải nhựa

Rác thải nhựa là những chất không được phân hủy nhiều trong môi trường, bao gồm chai lọ, túi đựng, đồ chơi cũ bằng nhựa và chất thải ni lông sau khi sử dụng trở thành rác thải.

Quá trình phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa, những tiện ích mà các sản phẩm từ nhựa mang lại không hề nhỏ. Vì thế, rác thải nhựa cũng tăng lên. Theo thống kê, Việt Nam ở vị trí thứ 17 trong 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác nhựa lớn trên thế giới. Lượng chất thải nhựa và túi ni lông thải bỏ ở Việt Nam xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm.

Tại Bắc Kạn, lượng rác thải nhựa ngày một tăng, trong khi đó, việc thu gom và xử lý vẫn còn nhiều hạn chế. Chất thải nhựa và túi ni lông phát sinh từ các hộ gia đình, chợ, khu du lịch, khu vực công cộng chưa được tiến hành phân loại tại nguồn. Trong đó, một số ít loại chất thải nhựa có giá trị tái chế được thu gom mang tính chất tự phát ở quy mô ít hộ gia đình, người thu gom rác và nhặt phế liệu tự do. Còn chất thải nhựa không có hoặc có giá trị tái chế thấp, gồm túi ni lông, hộp xốp các loại, ống hút nhựa... sử dụng một lần bị thải ra môi trường. Các loại rác này được xử lý cùng với chất thải rắn sinh hoạt. Trong khi đó, việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Hai phương pháp xử lý chủ yếu là chôn lấp và đốt, trong đó phương pháp thu gom để đốt tại Nhà máy xử lý rác là chủ yếu đối với khu vực đô thị. Còn phương pháp chôn lấp gây tốn diện tích đất, chất thải không được xử lý triệt để, tiếp tục tồn tại lâu dài gây ô nhiễm đất, ô nhiễm nước.

Nhiều giải pháp chống rác thải nhựa

Thời gian qua, nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, cải thiện, khắc phục ô nhiễm môi trường, đồng thời tạo bước chuyển biến căn bản trong công tác bảo vệ môi trường với mục tiêu phát triển bền vững, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường các giải pháp thực hiện quản lý, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh; trong đó có Kế hoạch số 276/KH-UBND ngày 18/5/2021 về triển khai thực hiện Đề án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa giai đoạn 2021 - 2025” trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Trên cơ sở đó, các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền rộng rãi đến từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, hội viên các tổ chức đoàn thể, Nhân dân về tác hại của chất thải nhựa và túi ni lông khó phân hủy đối với kinh tế, xã hội, môi trường và sức khỏe con người. Cùng với đó là thực hiện các chương trình truyền thông về rác thải gắn với việc tổ chức Ngày Môi trường thế giới, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn, Ngày Nước thế giới...

Tỉnh cũng tăng cường công tác tuyên truyền ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, tái chế rác thải nhựa, các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển các sản phẩm có thể phân hủy, tái sử dụng, thân thiện với môi trường; kinh tế xanh và tăng trưởng xanh… Tuyên truyền về những kinh nghiệm trong công tác phòng, chống rác thải nhựa; biểu dương tôn vinh, khen thưởng các gương điển hình tiên tiến, nhân rộng mô hình tốt, cách làm hay, sáng kiến có giá trị trong phong trào thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý chất thải, rác thải nhựa.

Hiện nay, phong trào “Chống rác thải nhựa” đã lan tỏa mạnh mẽ, dần đi sâu vào nếp nghĩ, thói quen hằng ngày ở khắp nơi từ công sở đến cộng đồng. Các cơ quan, đơn vị đã hạn chế sử dụng nước đóng chai, sản phẩm nhựa dùng một lần trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo và các hoạt động khác của đơn vị. Người dân giảm thiểu tiêu dùng sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần; tăng cường phân loại để chất thải nhựa có thể được tái sử dụng, tái chế. Hiệu quả của Phong trào này đã góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người và hệ sinh thái; góp phần quan trọng trong việc tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp.

Trong thời gian tới, Bắc Kạn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về về phòng, chống rác thải nhựa; vận động các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất túi ni lông khó phân hủy chuyển sang sản xuất túi ni lông thân thiện môi trường, các loại túi đựng hàng thân thiện môi trường. Vận động các doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà sách, cửa hàng ăn uống, các tổ chức và cá nhân bán lẻ giảm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần; giảm thiểu đóng gói bao bì sản phẩm bằng nhựa và ni lông khó phân hủy, tăng cường sử dụng các sản phẩm từ vật liệu thân thiện với môi trường.../.

Hương Lan