PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

01/02/2025
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
CPI tháng 1 tăng 1,66%
Giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 17,84% là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2025 tăng 1,66% so với tháng 12/2024.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Theo báo cáo của Sở Tài chính, mặc dù phần lớn thời gian trong tháng 1/2025 trùng với dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ song giá các mặt hàng tương đối ổn định; các mặt hàng phong phú, đa dạng về mẫu mã, chất lượng đảm bảo, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân trong tỉnh, không có hiện tượng khan hàng, sốt giá đột biến ở các mặt hàng phục vụ Tết.


Hàng hóa phục vụ Tết đa dạng về chủng loại, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân trong tỉnh

(Ảnh: Hàng hóa bày bán tại BK Mart)

Tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 1/2025 ước đạt 818,09 tỷ đồng, tăng 24,69% so với cùng kỳ năm trước. Tất cả 12 nhóm hàng đều có doanh thu tăng so cùng kỳ, trong đó, nhóm có mức doanh thu tăng mạnh là nhóm đá quý kim loại quý với doanh thu ước đạt 16,45 tỷ đồng, tăng 179,37% so cùng kỳ năm trước; nhóm hàng hoá khác doanh thu ước đạt 28,69 tỷ đồng, tăng 104,22% so cùng kỳ; nhóm nhiên liệu khác (trừ xăng dầu) doanh thu ước đạt 22,94 tỷ đồng, tăng 66,44% so với cùng kỳ.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 252,46 tỷ đồng, tăng 73,07% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ tiêu dùng khác ước đạt 135,56 tỷ đồng, tăng 16,95% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số CPI trên địa bàn tỉnh tháng 1/2025 so với tháng trước tăng 1,66%, trong đó tăng mạnh nhất là nhóm thuốc và dịch vụ y tế với 17,84%, nguyên nhân tăng là do trong tháng cập nhật giá các mặt hàng dịch vụ y tế theo Nghị quyết số 86/NQ-HĐND ngày 10/12/2024 của HĐND tỉnh Bắc Kạn quy định giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thuộc danh mục do Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán; giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc danh mục do Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán mà không phải là dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước thuộc tỉnh Bắc Kạn quản lý. Giá của nhóm hàng dịch vụ khám sức khỏe tăng đã ảnh hưởng đến chỉ số chung nhóm này tăng; các nhóm hàng còn lại giữ mức giá bằng hoặc tăng không đáng kể so với tháng trước.

Chỉ số giá tháng 1/2025 so với cùng kỳ tăng 2,01%; trong 11 nhóm hàng có 9 nhóm hàng tăng và 2 nhóm hàng giảm giá. Nhóm hàng có mức tăng mạnh nhất là nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 17,99%; nhóm hàng ăn và dịch vu ăn uống tăng 3,16% tăng. Nhóm hàng giảm giá mạnh nhất là nhóm giáo dục với mức giảm 4,52%.

Theo Sở Tài chính, một số giải pháp quản lý, điều tiết giá sẽ được các ngành chức năng tăng cường thực hiện trong thời gian tới như theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để kịp thời có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp theo thẩm quyền, nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống hằng ngày của người dân, hàng hóa thiết yếu là đầu vào cho sản xuất trên địa bàn tỉnh như hóa chất, vật tư y tế…; kiểm soát chặt chẽ khâu lưu thông; chủ động thúc đẩy sản xuất, chăn nuôi, tái đàn, chế biến để cân đối cung cầu, ổn định thị trường.

Cùng với đó là kiểm soát chặt chẽ đối với công tác kê khai giá, niêm yết giá, hàng hóa thiết yếu trên địa bàn tỉnh; kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước, hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá và kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước, hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công.

Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin kịp thời về tình hình thị trường giá cả; công khai, minh bạch thông tin về giá, nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ thuộc diện kê khai giá để hạn chế tối đa các tác động tăng giá do yếu tố tâm lý, kỳ vọng lạm phát, tránh các tin đồn thất thiệt gây ảnh hưởng đến mặt bằng giá cả thị trường, đời sống người dân…/.

BH