Độ tương phản
Cách trung tâm xã Tân Sơn khoảng hơn 13 cây số, Điểm trường Nặm Dất (thuộc Trường Tiểu học và THCS Tân Sơn, huyện Chợ Mới) nằm cheo leo giữa đại ngàn với 4 lớp học, 45 học sinh và 4 thầy, cô giáo.
Thầy giáo Đỗ Văn Cẩm - giáo viên đang giảng dạy tại Điểm trường Nặm Dất chia sẻ, từ những ngày đầu nhận công tác, thầy đã có nhiều năm gắn bó với các điểm trường khó khăn, xa xôi của huyện Pác Nặm, Chợ Mới, Ba Bể và từ tháng 8/2022 đến nay, thầy giảng dạy tại Điểm trường Nặm Dất. Gần 30 năm công tác tại rất nhiều điểm trường, thầy Cẩm có nhiều kinh nghiệm trong công tác dạy học tại vùng cao; chuyện băng rừng, vượt suối, đi bộ hàng chục cây số để bám lớp, bám trường đối với thầy Cẩm là rất đỗi bình thường. Học sinh tại điểm trường phần lớn là người dân tộc thiểu số nên khi mới đến dạy học, thầy còn gặp khó khăn do bất đồng ngôn ngữ. Nhờ tích cực học hỏi, đến nay, thầy có thể hiểu và giao tiếp được khoảng 70% tiếng Dao, 40% tiếng Mông, trong quá trình giảng dạy, thầy vận dụng cả tiếng Việt và tiếng dân tộc để học sinh dễ hiểu và ghi nhớ kiến thức. Cùng với truyền đạt kiến thức, thầy Cẩm luôn chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh.
"Tại Điểm trường Nặm Dất nơi tôi đang công tác, mùa mưa đi lại rất khó do có đoạn dốc cao, nguy hiểm, các thầy, cô phải gửi xe ở nhà dân rồi đi bộ vào điểm trường, sáng đi tối về, buổi trưa tự nấu ăn tại điểm trường. Mùa khô, nơi đây khan hiếm nước sinh hoạt. Năm học 2024 - 2025, Điểm trường Nặm Dất có thêm 1 lớp, do không được xây dựng phòng học mới nên phải ngăn đôi lớp học, diện tích rất chật hẹp, cơ sở vật chất thiếu thốn, Điểm trường cũng chưa có phòng Tin học và Âm nhạc. Thấu hiểu được hoàn cảnh của học sinh nơi đây, dù gặp nhiều vất vả, khó khăn nhưng tôi vẫn không ngừng nỗ lực bám bản, bám trường, quyết tâm đem con chữ tới cho học sinh vùng cao" - Thầy Cẩm chia sẻ thêm.
Là giáo viên có nhiều kinh nghiệm giảng dạy lớp ghép tại các điểm trường, cô Quách Thị Minh Thơm, giáo viên phụ trách tại Điểm trường Nặm Dất cho biết "Để học sinh nắm bắt được kiến thức một cách tốt nhất, ngay từ đầu năm học, tôi đã phân loại học sinh, xây dựng các nhóm học tập, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong nhóm, xây dựng kế hoạch bài dạy, lựa chọn phương pháp tổ chức dạy học cho phù hợp. Không chỉ vậy, tôi còn tích cực phát huy tính chủ quản của nhóm trưởng (đóng vai là một cô giáo nhỏ) hướng dẫn các bạn, giúp giáo viên hoàn thành các nội dung giảng dạy. Sau khi các em hoàn thành nhiệm vụ, tôi có những hình thức động viên, khen thưởng, tạo hứng thú, khơi dậy tinh thần ham học của các em học sinh".
Chia sẻ khó khăn khi công tác tại các điểm trường, cô Thơm tâm sự đó là sự bất đồng về ngôn ngữ, học sinh Điểm trường Nặm Dất chủ yếu là dân tộc Dao, nhiều em học sinh ngại giao tiếp, khả năng nhận thức còn chậm, gia đình chưa quan tâm được nhiều nên khó tiếp thu kiến thức, đặc biệt là đối với những em học sinh lớp 1, 2.
Năm học 2024 - 2025, huyện vùng cao Pác Nặm có 31 trường học với 139 điểm chính, 108 điểm lẻ; trong đó điểm chính có 234 lớp, điểm lẻ có 160 lớp. Công tác dạy và học ở các điểm trường vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.
Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Pác Nặm Hoàng Văn Duy cho biết, các điểm trường lẻ của Pác Nặm hiện có hơn 2.000 (chiếm tỷ lệ hơn 80%) học sinh có hoàn cảnh khó khăn và thuộc diện hộ nghèo. Hơn nữa, hiện nay chưa có chế độ, chính sách dành cho độ tuổi nhà trẻ, do vẫn phải nộp tiền ăn, tiền học phí 100% (23.000 đồng/tháng) nên việc huy động trẻ ra lớp ở các điểm trường còn gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều điểm trường thiếu bếp ăn bán trú hoặc bếp ăn còn là bếp tạm, rất khó khăn cho công tác tổ chức ăn bán trú tại lớp cho trẻ.
Bên cạnh đó, đa số các điểm trường lẻ chỉ có 1 nhóm trẻ hoặc 1 lớp mẫu giáo không đủ số trẻ theo quy định nên chỉ được bố trí 1 giáo viên, gây khó khăn cho công tác nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao.
Đa số các nhóm, lớp tại điểm trường đều là lớp ghép nhiều độ tuổi (có lớp ghép 2 độ tuổi, 3 độ tuổi hay thậm chí 4 độ tuổi) và ghép nhiều dân tộc nên khó khăn trong công tác thực hiện chương trình giáo dục mầm non. Một số điểm trường chưa có điện, khó khăn trong công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ, đặc biệt là công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học của giáo viên và học sinh.
Đối với cấp tiểu học, một số điểm trường lẻ chưa có điện, chưa có mạng internet nên các giáo viên gặp khó khăn trong việc khai thác các học liệu điện tử để giảng dạy. Một số lớp học, nhà vệ sinh xuống cấp do sử dụng lâu năm, chưa có hệ thống nước sạch, thiếu nước sinh hoạt, học sinh đi lại khó khăn vào mùa mưa…
Dù còn nhiều khó khăn, vất vả là vậy nhưng thầy cô giáo đang công tác tại các điểm trường tại Pác Nặm luôn ngày đêm miệt mài trao truyền con chữ, tình nguyện dành cả thanh xuân, đóng góp cho sự nghiệp “trồng người” nơi vùng cao.
Trưởng Phòng GD&ĐT Pác Nặm Hoàng Văn Duy bày tỏ mong muốn, thời gian tới, các cấp có thẩm quyền tiếp tục quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học cho các điểm trường tại Pác Nặm; hỗ trợ áo ấm về mùa đông, chăn, gối, đệm để tổ chức cho học sinh nghỉ trưa tại lớp học ở điểm trường, hạn chế đi lại nhiều lần trong ngày.
Sự nghiệp “trồng người” ở vùng cao vẫn còn nhiều gian khó, nhưng vượt lên những khó khăn thách thức, các thầy, cô giáo vẫn miệt mài bám trường, bám lớp để “ươm những mầm xanh” nơi rẻo cao./.
Khai mạc Cuộc thi “tuyên truyền về công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn năm 2024” (20/12/2024)
Tăng cường công tác quản lý dược phẩm, mỹ phẩm (18/12/2024)
Hỗ trợ, thúc đẩy thanh niên khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo (17/12/2024)
Bế mạc Giải vô địch bóng chuyền tỉnh Bắc Kạn năm 2024 (15/12/2024)
Đảm bảo an toàn thực phẩm dịp cuối năm (15/12/2024)