PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

28/04/2023
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Hợp tác xã Hương Ngàn nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm từ quýt bản địa
Đây là một hướng phát triển sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội của Hợp tác xã (HTX) Hương Ngàn (xã Nguyên Phúc, Bạch Thông), góp phần nâng cao giá trị cây quýt bản địa, tạo việc làm, tăng thu nhập cho bà con địa phương.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Chị Vi Thùy Dương - Giám đốc HTX Hương Ngàn giới thiệu sản phẩm với các đồng chí lãnh đạo tỉnh

Quýt được xác định là một cây ăn quả chủ lực của tỉnh và một trong những cây xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Tuy nhiên, những năm gần đây, việc mở rộng diện tích trồng quýt thiếu định hướng thị trường. Việc tiêu thụ quýt của người dân địa phương gặp nhiều khó khăn khi chỉ bán thô, giá cả bấp bênh phụ thuộc vào thương lái, hơn nữa, tư thương cũng chỉ mua quả quýt đẹp, to, còn loại quả quýt bé bị loại bỏ vì không bán được hoặc bán được thì cũng rất rẻ.

Trước thực trạng trên, HTX Hương Ngàn đã nghiên cứu chế biến nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm từ quả quýt bản địa. HTX đã chưng cất tinh dầu từ vỏ quýt, làm rượu từ ruột quả quýt, mứt quýt nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu là những quả quýt mẫu mã kém, quýt rụng, đồng thời đa dạng hóa sản phẩm từ quả quýt, nâng cao giá trị của quýt Bắc Kạn. Với việc nghiên cứu thành công giải pháp “Chế biến nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm từ quả quýt bản địa” mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, chị Vi Thùy Dương đã được Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh “Nhà khoa học của Nhà nông” lần thứ ba - năm 2020.

Chị Vi Thùy Dương - Giám đốc HTX Hương Ngàn cho biết, năm 2018, HTX bắt đầu làm sản phẩm tinh dầu và trần bì từ quả quýt. Thế nhưng, vỏ quýt chỉ chiếm có 20% thành phần quả quýt, khi lấy vỏ thì ruột quýt thải ra rất nhiều sẽ gây ô nhiễm môi trường, khiến đất bị chua. Vì vậy, chị Dương đã tự mày mò nghiên cứu để làm nước quýt lên men và rượu quýt. Như vậy, quả quýt được sử dụng toàn phần: Phần vỏ đẹp được sấy làm trần bì, phần vỏ vụn được chưng cất tinh dầu, phần múi quýt được lên men, chưng cất tạo dòng rượu quýt.

Vào vụ thu hoạch, mỗi ngày, HTX Hương Ngàn thu mua hàng tấn quýt nhỏ với giá từ 3.000 - 5.000 đồng/kg. Nguồn nguyên liệu quả quýt được HTX thu mua từ người dân thông qua hợp đồng liên kết với HTX Đại Hà (xã Quang Thuận) và HTX Dương Phong (xã Dương Phong) với 3 loại quýt rụng, quýt bi và quýt tỉa. Nếu như trước đây, các loại quýt nhỏ, rụng này phần lớn không được thương lái thu mua thì nay bán cho HTX Hương Ngàn chế biến tinh dầu và các sản phẩm khác, người dân trồng quýt đã có thêm thu nhập không nhỏ.

Sau khi tinh dầu quýt đã được thị trường đón nhận, HTX Hương Ngàn đã được giao chủ trì thực hiện dự án khoa học cấp tỉnh “Hoàn thiện quy trình sản xuất tinh dầu và phát triển sản phẩm trà hòa tan từ quả quýt Bắc Kạn” từ tháng 1/2020 đến tháng 3/2022. Dự án được Hội đồng Khoa học và Công nghệ chuyên ngành tỉnh nghiệm thu với kết quả xếp loại Khá. Dự án hoàn thành, HTX nâng cao chất lượng tinh dầu quýt và có thêm sản phẩm từ quả quýt là trà hòa tan. Tinh dầu quýt của HTX Hương Ngàn đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh từ năm 2019 và công nhận lại năm 2022, được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2022.

Một số sản phẩm của HTX Hương Ngàn từ quả quýt

Không dừng lại ở những kết quả đã đạt được, tháng 12/2022, HTX Hương Ngàn đã hợp tác với Viện Nghiên cứu và Phát triển ứng dụng các hợp chất thiên nhiên (thuộc Đại học Bách Khoa Hà Nội) để nghiên cứu thêm sản phẩm nước quýt cô đặc và mật ong vỏ quýt. Tuy mới ra thị trường nhưng 2 sản phẩm này cũng đã được người tiêu dùng đánh giá cao.

Theo chia sẻ của chị Vi Thùy Dương - Giám đốc HTX Hương Ngàn, 1 tấn quả quýt sau khi chiết xuất tinh dầu sẽ thu về 6 triệu đồng, chưa kể các sản phẩm đi kèm như trần bì, mứt quýt, rượu quýt, trà hòa tan. Trong khi đó, nếu bán quả quýt nhỏ chỉ đạt khoảng 3 - 5 triệu đồng/tấn. Còn nếu không có người mua thì những quả quýt nhỏ sẽ bị thối, hỏng không có giá trị. Như vậy, việc nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm từ quýt bản địa đã góp phần nâng cao giá trị cây quýt, tăng thu nhập cho người trồng quýt. Ngoài ra, việc sản xuất các sản phẩm từ quýt của HTX Hương Ngàn đã tạo công ăn việc làm cho khoảng 60 lao động, trong đó có 10 lao động thường xuyên và khoảng 50 lao động thời vụ.

Việc sản xuất các sản phẩm từ quýt của HTX Hương Ngàn đã tạo công ăn việc làm
cho nhiều người dân địa phương

Để tìm kiếm thị trường, HTX Hương Ngàn thường xuyên đưa các sản phẩm tham gia các hội chợ kết nối cung cầu, hội chợ thương mại. Hiện nay, sản phẩm tinh dầu và trần bì từ vỏ quýt đã có đầu ra khá ổn định, riêng tinh dầu quýt đã có Công ty Cổ phần Sao Thái Dương, Công ty TNHH Hữu Nghị Lạng Sơn, Công ty TNHH Thịnh Phát - Tam Đảo (Vĩnh Phúc) ký kết hợp đồng bao tiêu; rượu quýt, trà hòa tan cũng đã có đối tác bao tiêu; nước quýt cô đặc và mật ong vỏ quýt là sản phẩm mới cần thêm thời gian tìm kiếm thị trường./.

Hương Dịu