PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

22/02/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 22 - “Bản hòa âm đất nước”
Trong không khí vui tươi, phấn khởi những ngày đầu xuân mới Giáp Thìn 2024, tối 22/2 (tức ngày 13 tháng Giêng), tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh, Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 Nguyên tiêu Giáp Thìn 2024 với chủ đề "Bản hòa âm đất nước”.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Dự Ngày Thơ năm nay có lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh; hội viên chuyên ngành văn học của tỉnh cùng cán bộ, giáo viên, học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THPT tỉnh.

Phát biểu tại Ngày thơ, nhà thơ Dương Khâu Luông - Chủ tịch Hội VHNT tỉnh cho biết, bên cạnh các nhà thơ tên tuổi như Nông Quốc Chấn, Nông Minh Châu, Nông Viết Toại, Dương Thuấn, Triệu Kim Văn..., tỉnh ta đã xuất hiện nhiều tác giả thơ trẻ đầy triển vọng, tiếp nối thế hệ cha anh. Nhiều cây bút thơ trẻ đã từng bước khẳng định và có tập thơ riêng được xuất bản như "Đi qua tôi thật chậm", "Dưới vòm hoa đại khải" của Phùng Thị Hương Ly; "Từ ngực Núi Hoa" của Hà Sương Thu; "Núi mặc áo bông" của Muồng Hoàng Yến; "Bốn mùa nhung nhớ" (tập thơ song ngữ Tày - Việt ) của Nông Ngọc Mạnh; ngoài ra còn những tác giả trẻ khác thường xuyên có thơ đăng trên Tạp chí Văn nghệ Ba Bể như Duy Thành, Hoàng Vân. Đặc biệt, có một số tác giả thơ người dân tộc Tày đã sáng tác mới và đặt lời cho làn điệu dân ca Tày như các bài then của Dương Khâu Luông, Hoàng Đức Hoan...

Ngày thơ năm nay với chủ đề “Bản hoà âm đất nước”, nghĩa là một cuộc sống đoàn kết, vui tươi, hạnh phúc, phát triển đi lên như một bản hòa ca muôn màu của con người Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước. Sau nhiều năm duy trì thực hiện, đến nay, Ngày thơ Việt Nam đã trở thành một thông lệ được bạn đọc và công chúng yêu thơ chờ đợi mỗi khi tết đến xuân về. Đây là một hoạt động thiết thực và vô cùng ý nghĩa để tôn vinh giá trị thơ ca Việt và tôn vinh những con người đã góp phần làm nên nền thơ ca dân tộc.

Có thể nói Ngày thơ đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của Nhân dân Việt Nam và góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc, đất nước trong công cuộc xây dựng, phát triển cuộc sống cũng như hội nhập quốc tế.

Nghệ sĩ Quang Luận trình diễn bài thơ “Nguyên tiêu”

Mở đầu chương trình, khán giả được ôn lại lịch sử ra đời và ý nghĩa bài thơ  “Nguyên tiêu” của Bác Hồ; tiếp đó cùng thưởng thức và tìm hiểu thêm về thơ Bắc Kạn qua các tiết mục đọc thơ, ngâm thơ, tọa đàm thơ, trình diễn thơ, các bài thơ được phổ nhạc, được lắng nghe những tâm sự, chia sẻ, giọng đọc của chính các tác giả, các nhà thơ.

Nhà thơ Dương Khâu Luông tặng ấn phẩm cho Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THPT tỉnh

Dịp này, Hội VHNT tỉnh đã tặng những ấn phẩm tiêu biểu của Hội cho Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THPT tỉnh./.

Ngọc Tú