PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

21/08/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Qua miền di sản Việt Bắc - tinh hoa và bản sắc
Không chỉ là vùng đất thiêng lưu giữ những giá trị lịch sử văn hóa truyền thống quý báu, Việt Bắc còn được thiên nhiên ban tặng cảnh quan hùng vĩ; những giá trị văn hóa truyền thống được Nhân dân các dân tộc Việt Bắc luôn gìn giữ và phát huy. Để giờ đây, hành trình “Qua những miền di sản Việt Bắc” đã tạo nên thương hiệu du lịch riêng có của 6 địa phương để du khách được trải nghiệm, khám phá.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Các tỉnh chiến khu Việt Bắc có nhiều điểm tương đồng về điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội và tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, nhất là du lịch lịch sử, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa, với hệ thống những điểm di tích quan trọng của Quốc gia như: ATK Pác Bó (Cao Bằng), ATK Tân Trào (Tuyên Quang), ATK Định Hóa (Thái Nguyên), ATK Chợ Đồn (Bắc Kạn); là địa chỉ đỏ giáo dục lý tưởng, truyền thống cách mạng, nơi hội tụ, giao thoa văn hóa của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số với các phong tục, tập quán, lễ hội, văn hóa dân gian, ẩm thực, nghề thủ công truyền thống đặc sắc; có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hệ sinh thái đa dạng với những cánh rừng nguyên sinh, hệ thống sông, hồ, thác nước, hang động hùng vĩ. Những địa danh nổi tiếng như: Công viên địa chất Non nước Cao Bằng, Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), hồ Ba Bể (Bắc Kạn), núi Mẫu Sơn (Lạng Sơn), hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), Danh thắng quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình (Tuyên Quang)… được đánh giá là điểm đến thú vị, có sức hấp dẫn đối với khách du lịch cả trong nước và quốc tế.

Năm 2009, Chương trình “Du lịch qua những miền di sản Việt Bắc” lần đầu tiên được tổ chức tại tỉnh Hà Giang đã khai thông “điểm nghẽn” trong phát triển du lịch của 6 tỉnh Việt Bắc, đưa du lịch các tỉnh phát triển tương xứng với tiềm năng. Qua 14 năm, Chương trình “Du lịch qua những miền di sản Việt Bắc” được các tỉnh lần lượt đăng cai có cách thức tổ chức quảng bá riêng, có chương trình kế hoạch cụ thể gắn kết các chuỗi sự kiện của tỉnh và các tỉnh trong khu vực, tạo hiệu ứng tích cực trong công tác tuyên truyền quảng bá, bước đầu có hiệu quả trong công tác phát triển du lịch, hình thành và kết nối chuỗi sản phẩm du lịch đặc trưng của các tỉnh; thu hút các doanh nghiệp du lịch hợp tác, trao đổi liên kết phát triển thị trường khách du lịch.

Năm 2019, toàn vùng đón hơn 13,8 triệu lượt khách, trong đó khách nội địa đạt hơn 10,8 triệu lượt (chiếm 78,3%), khách quốc tế đạt hơn 3 triệu lượt (chiếm 21,7%); năm 2022 đón gần 12 triệu lượt khách và năm 2023 đón hơn 14,5 triệu lượt khách. Thu nhập xã hội du lịch đạt khá đóng góp vào GRDP của mỗi tỉnh, thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành kinh tế khác, tạo nhiều việc làm cho người dân địa phương, hình ảnh du lịch Việt Bắc dần dần được nhiều người biết đến.

Trong bề dày truyền thống lịch sử và thành quả cách mạng của vùng Chiến khu, tỉnh Bắc Kạn vinh dự là trung tâm căn cứ địa Việt Bắc, nơi ghi dấu ấn hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh đạo Trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Trong phong trào Cách mạng tháng Tám năm 1945, Bắc Kạn là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng, là cầu nối giữa các căn cứ địa cách mạng Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang và Thái Nguyên, nơi gặp gỡ của các đội xung phong Nam tiến, Tây tiến và Bắc tiến, tạo thành khu căn cứ địa Việt Bắc rộng lớn. Do có vị trí trọng yếu trong căn cứ địa Việt Bắc, tỉnh Bắc Kạn cùng với hai tỉnh Tuyên Quang và Thái Nguyên được chọn làm an toàn khu (ATK) Trung ương. Ngay từ cuối năm 1946, huyện Chợ Đồn thuộc tỉnh Bắc Kạn được vinh dự tiếp nhận nhiều cơ quan, xưởng máy, kho tàng của Trung ương. Các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước cũng đã từng sống và làm việc tại Bắc Kạn như Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Lương Bằng... Tỉnh Bắc Kạn còn là nơi được giải phóng đầu tiên trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (ngày 9/8/1949), cũng là nơi thực hiện chế độ dân chủ khá sớm trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa - giáo dục... trong căn cứ địa Việt Bắc.

Cùng với các tỉnh trong vùng Chiến khu Việt Bắc, Bắc Kạn có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, nhất là du lịch lịch sử, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa, với các điểm di tích quan trọng của quốc gia như Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Chợ Đồn, Di tích lịch sử Nà Tu, Di tích lịch sử Đồn Phủ Thông là những di tích mang dấu ấn về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, của quân đội và Nhân dân Bắc Kạn trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân và đế quốc xâm lược. Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Kạn còn có nguồn tài nguyên đa dạng như phong cảnh núi đồi, sông, hồ, hang động, thác nước, hệ sinh thái rừng nguyên sinh, trong đó nổi bật là Khu du lịch Ba Bể với hồ Ba Bể là Di tích quốc gia đặc biệt, một trong 20 hồ nước ngọt tự nhiên cần bảo vệ của thế giới; Vườn Quốc gia Ba Bể được công nhận là Vườn di sản ASEAN, khu RAMSA thứ 1.938 của thế giới và khu RAMSA thứ 3 của Việt Nam. Với tính đa dạng sinh học cao, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hấp dẫn, hệ thống sông, hồ, hang động phong phú, Khu du lịch Ba Bể là trọng tâm, là điểm nhấn để phát triển nhiều loại hình du lịch như du lịch sinh thái; du lịch tham quan, nghiên cứu; du lịch nghỉ dưỡng; du lịch cộng đồng; du lịch thể thao mạo hiểm, vui chơi giải trí…

Bắc Kạn đưa múa Bát trở thành điểm nhấn trong văn hóa gắn với phát triển du lịch (Ảnh tư liệu)

Bắc Kạn còn có bề dày văn hóa các dân tộc phong phú, thống nhất trong đa dạng như các lễ hội truyền thống, tiếng nói, chữ viết, món ăn, tri thức dân gian, di sản văn hóa phi vật thể mang đậm bản sắc của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán chay, tiêu biểu là di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái đã được Unesco vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và 20 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (múa Bát của người Tày, nghệ thuật múa Khèn của người Mông, hát Páo Dung của người Dao, hát Sli của người Nùng…). Đây là nguồn tài nguyên vô giá mà tỉnh Bắc Kạn đang nỗ lực bảo tồn, phát huy và dần phát triển thành các sản phẩm du lịch đặc sắc.

Cùng với sự quan tâm của Chính phủ, Quốc hội, sự giúp đỡ của các ban, bộ, ngành Trung ương, kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Kạn, trong đó có ngành Du lịch đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tỉnh chú trọng khai thác tiềm năng, lợi thế nguồn tài nguyên để tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, góp phần tích cực vào sự tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị. Để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về du lịch, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống, thu nhập của người dân, tỉnh đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Một trong các đột phá phát triển là: “Xác định thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch là trọng tâm; chú trọng phát triển du lịch nghỉ dưỡng, đưa thị trường bất động sản nghỉ dưỡng nằm trong nhóm dẫn đầu các tỉnh Trung du và miền núi Bắc Bộ. Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, có vai trò động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác với hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại, đa mục tiêu”… Quy hoạch được phê duyệt có ý nghĩa chiến lược quan trọng, là động lực to lớn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, mở ra triển vọng hợp tác và cơ hội đầu tư cho tỉnh Bắc Kạn.

Tuy nhiên, so với yêu cầu của sự phát triển, du lịch của các tỉnh trong vùng, trong đó có tỉnh Bắc Kạn vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; nhân lực du lịch trong vùng còn thiếu, chất lượng chưa cao; hoạt động liên kết giữa các địa phương trong vùng chưa chặt chẽ; chưa có nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn; thiếu nhà đầu tư chiến lược; hạ tầng giao thông, đặc biệt là giao thông kết nối giữa các khu, điểm du lịch trong vùng chưa đồng bộ. Đây là những “điểm nghẽn”, “rào cản” cần được tháo gỡ để du lịch các tỉnh Chiến khu Việt Bắc phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Năm nay, Chương trình “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ XV được tổ chức tại tỉnh Bắc Kạn. Ngoài điểm nhấn là chương trình nghệ thuật trong Lễ khai mạc giới thiệu nét văn hóa đặc trưng của 6 tỉnh Việt Bắc diễn ra vào tối 25/8, Chương trình có nhiều hoạt động nổi bật như: Ngày hội nông sản OCOP và văn hóa ẩm thực 6 tỉnh Việt Bắc với quy mô 70 gian hàng; Giải đua xe đạp địa hình tỉnh Bắc Kạn mở rộng năm 2024; Cuộc thi Hướng dẫn viên du lịch với chủ đề “Trải nghiệm một vòng Việt Bắc”. Ngoài ra, Chương trình còn có nhiều sự kiện gắn với 75 Ngày giải phóng tỉnh Bắc Kạn như khai trương phố đi bộ đầu tiên của tỉnh Bắc Kạn; Chương trình ca nhạc và trình diễn thời trang “Dấu ấn Việt Bắc”; trình diễn di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tỉnh Bắc Kạn; triển lãm tranh, ảnh 6 tỉnh Việt Bắc và triển lãm ảnh, không gian văn hóa dân tộc Tày kỷ niệm 75 năm Ngày giải phóng tỉnh Bắc Kạn và Hội nghị xúc tiến, quảng bá đầu tư nhằm giới thiệu tiềm năng, thế mạnh với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước…

Đây là những điểm nhấn quan trọng để quảng bá tiềm năng du lịch, đồng thời là cơ hội để tỉnh Bắc Kạn tiếp tục phát huy sự gắn kết, liên kết của 6 tỉnh trong khu vực 14 năm qua, qua đó tạo thêm những nét mới để sự liên kết này đi vào thực chất hơn và đặc biệt là nâng tầm du lịch của 6 tỉnh trong khu vực./.

Thu Trang