PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

12/06/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Chủ động kiểm soát, ngăn chặn, khống chế dịch bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò
Cùng với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, hiện nay, tại một số địa phương trong tỉnh đã xuất hiện bệnh Viêm da nổi cục trên trâu bò. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các huyện, thành phố; Chi cục Chăn nuôi và Thú y tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, tính đến ngày 10/6/2024, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò đã xảy ra tại 4 thôn, 22 hộ của thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn làm tổng số 45 con bò mắc bệnh, trong đó chết 1 con với khối lượng 180 kg. Ngoài ra, trong ngày 9/6/2024 có xuất hiện thêm 2 ổ dịch đang nghi có bò mắc bệnh Viêm da nổi cục tại xã Hà Hiệu, huyện Ba Bể và xã Trung Hoà, huyện Ngân Sơn.

Để chủ động kiểm soát, ngăn chặn, khống chế dịch bệnh lây lan ra diện rộng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp.

Trong đó, đối với các địa phương đang có dịch tập trung các nguồn lực và áp dụng đồng bộ các giải pháp để kiểm soát, xử lý dứt điểm các ổ dịch, hạn chế dịch bệnh lây lan và phát sinh các ổ dịch mới; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động giám sát dịch bệnh, kịp thời phát hiện và khai báo dịch bệnh trên đàn vật nuôi.

Tổ chức khoanh vùng dịch và lập chốt tạm thời để kiểm soát việc vận chuyển trâu, bò ra, vào các xã có dịch hoặc thành lập đội kiểm soát lưu động để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp cố tình vận chuyển gia súc ra, vào các xã có dịch; hướng dẫn người dân nuôi cách ly đối với đàn trâu, bò chưa mắc bệnh tại các khu vực có gia súc mắc bệnh, nghi mắc bệnh Viêm da nổi cục; tổ chức tiêu hủy những trâu, bò bị chết do mắc bệnh.

Khẩn trương thực hiện tiêm phòng vắc xin bao vây ổ dịch Viêm da nổi cục (trong đó ưu tiên tiêm phòng cho đàn bò); xem xét hỗ trợ kinh phí tổ chức tiêm phòng vắc xin Viêm da nổi cục.

Tổ chức tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt côn trùng, ruồi, muỗi, ve, mòng,… liên tục trong vòng 3 tuần tại các hộ chăn nuôi có trâu, bò mắc bệnh, nghi bị bệnh; đồng thời tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng toàn bộ các vùng có nguy cơ cao, xung quanh hộ chăn nuôi có trâu, bò bị bệnh.

Tổ chức rà soát, kê khai số lượng trâu, bò, đề nghị người chăn nuôi trên địa bàn xã có dịch cam kết không bán chạy, không giết mổ, không vứt xác trâu, bò chết, gia súc bệnh ra môi trường.

Đối với địa phương chưa có dịch cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi chủ động giám sát gia súc, kịp thời phát hiện các trường hợp gia súc mắc bệnh, nghi bị bệnh và báo cáo chính quyền địa phương đồng thời triển khai ngay các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của cơ quan chuyên môn; thường xuyên khử trùng tiêu độc bằng các hoá chất, vôi bột để sát trùng khu vực nuôi, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt côn trùng, ruồi, muỗi, ve, mòng,…

Kiện toàn, thành lập các đội kiểm tra liên ngành chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác quản lý vận chuyển, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, ngăn chặn và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo quy định.

Chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cử cán bộ chuyên môn thường xuyên kiểm tra, giám sát và hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở; hướng dẫn người chăn nuôi có trâu, bò mắc bệnh các biện pháp cách ly, chăm sóc và điều trị bệnh kế phát trên động vật mắc bệnh.

Đối với chợ trâu, bò xã Nghiên Loan, đề nghị UBND huyện Pác Nặm chỉ đạo các phòng chuyên môn và UBND xã Nghiên Loan tổ chức quản lý trâu, bò khi ra, vào chợ.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các địa phương đang có dịch Viêm da nổi cục thực hiện các biện pháp xử lý ổ dịch, khoanh vùng dịch không để lây lan ra diện rộng; tham mưu triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò; đôn đốc, hướng dẫn các địa phương về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Chuẩn bị cung ứng kịp thời vắc xin, vật tư, hoá chất để phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh VDNC. Đồng thời phối hợp với các huyện, thành phố tăng cường giám sát, phát hiện bệnh, trường hợp phát hiện gia súc nghi mắc bệnh tổ chức lấy mẫu gửi xét nghiệm; thành lập Tổ phản ứng nhanh để ứng phó với dịch bệnh xảy và hướng dẫn, hỗ trợ cơ sở triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Chỉ đạo các Trạm kiểm dịch đầu mối giao thông chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, kiên quyết xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định; tiêu độc, khử trùng các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào địa bàn tỉnh theo quy định./.

BH