Độ tương phản
Trường Mầm non Chí Kiên là một trong những trường học tích cực ứng dụng các phần mềm và trò chơi giáo dục thông minh. Việc dạy học của giáo viên trở nên dễ dàng hơn, đồng thời cũng giúp trẻ chủ động khám phá kiến thức và nâng cao kỹ năng một cách hiệu quả.
Cô giáo Phạm Thị Lan Hương, giáo viên Trường Mầm non Chí Kiên cho biết, cô và các giáo viên đang ứng dụng các phần mềm như Canva, Capcut để xử lý các bài giảng, ghép video… áp dụng vào các nội dung chăm sóc giáo dục trẻ, đưa vào bài học các nội dung mới, sinh động, hấp dẫn, tạo hứng thú cho học sinh, kích thích sự phát triển của trẻ. Ngoài ra, cô còn sử dụng các phần mềm AI video để làm các video, tranh ảnh động hay sáng tạo những bài thơ gần gũi với cuộc sống, tạo sự sống động, dễ nhìn, dế thấy, dễ cảm nhận cho học sinh chứ không chỉ quan sát tranh ảnh minh họa sẵn như trước đây.
Ở khối tiểu học, trung học cơ sở hay trung học phổ thông, giáo viên đã từng bước đưa công nghệ vào các giáo án bài giảng, tạo cho học sinh có những trải nghiệm học tập mới mẻ, sinh động, giúp các em có thể tương tác với nội dung học tập một cách thú vị, hấp dẫn và trực quan hơn. Công cụ AI (Chat GPT) đã hỗ trợ các thầy, cô giáo thiết kế bài giảng, xây dựng ngân hàng câu hỏi kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh một cách khá chính xác. Đặc biệt, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã thiết kế nhiều bài giảng nhằm giúp các em học sinh phát huy tốt năng lực của bản thân. Từ những kiến thức được học trên lớp, với sự nhanh nhạy trong học tập, các em học sinh cũng có nhiều sáng tạo từ việc lên ý tưởng, chọn hình ảnh, viết lời bình, thuyết minh, âm nhạc, dựng video… tăng sự tương tác 2 chiều trong dạy và học trên địa bàn tỉnh.
Đối với lực lượng kiểm lâm, trước đây, công tác tuần tra kiểm soát rừng phải trực tiếp đi từng khu vực quản lý. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ, phương thức quản lý, làm việc đã thay đổi. Các thiết bị công nghệ hiện đại gắn chip truyền tải thông tin hình ảnh qua thiết bị đã giúp cho việc tuần tra, giám sát, quản lý tài nguyên rừng được thực hiện một cách hiệu quả hơn. Anh Đỗ Công Huân, Khu dự trữ thiên nhiên Kim Hỷ cho biết, thông qua các lớp tập huấn ứng dụng công nghệ thông tin do Chi cục Kiểm lâm tỉnh tổ chức, các cán bộ tại Khu dự trữ thiên nhiên Kim Hỷ đã áp dụng ngay vào trong quá trình công tác, trong đó có việc sử dụng các thiết bị bay không người lái (Fly cam), hệ thống Camera giám sát, giải toán ảnh vệ tinh, sử dụng các ứng dụng bản đồ trong thực hiện nhiệm vụ... để báo sớm các điểm cháy rừng, vi phạm pháp luật về rừng, hay phân tích dữ liệu về tình hình sinh thái. Công nghệ đã giúp lực lượng kiểm lâm dễ dàng phát hiện dấu hiệu xâm phạm từ các trạm theo dõi cảnh báo tự động và qua máy tính. Các thiết bị có thể theo dõi chính xác các vi phạm qua phần mềm, gửi thông tin, hình ảnh vi phạm, từ đó đưa ra các biện pháp xử lý nhanh chóng giúp tăng cường công tác quản lý và bảo vệ tài nguyên rừng hiệu quả hơn.
Lực lượng kiểm lâm Khu dự trữ thiên nhiên Kim Hỷ ứng dụng công nghệ, truyền tải thông tin dữ liệu giúp công tác bảo vệ tài nguyên rừng hiệu quả hơn
Ông Đặng Văn Hải - Giám đốc Khu dự trữ thiên nhiên Kim Hỷ cho biết, khi áp dụng công nghệ số sẽ tiết kiệm được thời gian cán bộ phải đi tuần tra rừng, Fly cam có thể bay khoảng cách vài cây số để chụp, quay video và phát tín hiệu cảnh báo tình hình bảo vệ rừng, từ đó giúp lực lượng đưa ra các quyết định chính xác để xử lý kịp thời. Việc giải toán ảnh vệ tinh cũng được đơn vị áp dụng giúp tiết kiệm thời gian phải đi tuần tra, di chuyển trên đường rừng. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo, công nghệ số đã trợ giúp tích cực cho công tác bảo vệ tài nguyên rừng tại địa phương có diện tích lớn như Bắc Kạn.
Nếu như trước đây, AI chỉ được ứng dụng trong những ngành khoa học công nghệ cao thì hiện nay, trí tuệ nhân tạo được ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống. Tại UBND phường Sông Cầu, để vận hành tốt hệ thống loa truyền thanh cơ sở, các cán bộ, công chức, nhân viên thực hiện nhiệm vụ này đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác. Để xây dựng chương trình phát thanh hiệu quả, các các cán bộ đã ứng dụng phần mềm chuyển văn bản thành giọng nói Smartvoice, thay phát thanh viên đọc các bản tin hằng ngày, qua đó vừa tiết kiệm công sức, nhân lực lại đảm bảo tính hiệu quả cao.
Cũng triển khai phần mềm này, Cổng Thông tin điện tử tỉnh Bắc Kạn sử dụng để chuyển văn bản thành giọng nói trong việc điểm văn bản chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh, qua đó vừa tiết kiệm thời gian, kinh phí phí lại tăng sự tương tác, đưa thông tin chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh đến rộng rãi đối tượng độc giả.
Còn với người dân, việc sử dụng Chat GPT cũng được ứng dụng rộng rãi. Chat GPT giúp tối ưu hóa quy trình làm việc bằng cách hỗ trợ xử lý thông tin nhanh chóng và chính xác. Mọi người có thể yêu cầu Chat GPT trả lời câu hỏi, tìm kiếm tài liệu hoặc tổng hợp thông tin mà không cần mất thời gian tìm kiếm thủ công. Chị Hoàng Thị Hoa tại phường Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Bắc Kạn chia sẻ: "Trên ứng dụng Chat GPT, tôi có thể tìm kiếm bất cứ thông tin gì, từ cách nấu ăn, chăm sóc cây con giống, đến việc thiết kế phòng làm việc, không gian sinh hoạt, hay tìm kiếm thông tin về tất cả các ngành, nghề, tổng hợp số liệu… từ các nguồn thông tin tin cậy. Tuy nhiên, việc sử dụng thông tin cần có chọn lọc để đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin của mình một cách hiệu quả nhất".
Trí tuệ nhân tạo đã và đang thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hứa hẹn tiềm năng không giới hạn. Nhiều lĩnh vực trong đời sống ứng dụng trí tuệ nhân tạo mang đến những tiện ích giúp giảm chi phí, tiết kiệm thời gian, giảm nhân lực, nâng cao đời sống, Đây sẽ là tiềm năng phát triển khi các đơn vị đầu tư công nghệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để thích ứng trong tương lai./.
Ưu tiên phát triển hạ tầng số, làm nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số (24/02/2025)
Báo chí Bắc Kạn trong công cuộc chuyển đổi số (11/02/2025)
Bắc Kạn tăng 5 bậc Chỉ số chuyển đổi số DTI (07/02/2025)
[Infographics] Chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn năm 2024: Những kết quả nổi bật (15/01/2025)
Chuyển đổi số - con người là trung tâm (01/01/2025)