PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

06/05/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Xây dựng nông thôn mới từ thôn, bản
Trong thời gian qua, Bắc Kạn đã tập trung thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới từ cơ sở, qua đó tạo nền tảng vững chắc để thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Từ đầu năm 2019, UBND tỉnh đã quyết định ban hành Bộ tiêu chí thôn nông thôn mới tỉnh Bắc Kạn đến năm 2020. Đây là cơ sở để chỉ đạo, đánh giá, xét công nhận, công bố thôn đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Theo đó, để đạt thôn nông thôn mới thì cần phải đạt 16 tiêu chí về tổ chức cộng đồng và tiêu chí thực hiện các hoạt động phát triển thôn. Trong quá trình thực hiện, các địa phương đã có những cách làm sáng tạo, cách tiếp cận phù hợp tình hình thực tế của địa phương, qua đó giúp người dân phát huy vai trò chủ thể, đẩy lùi tư tưởng trông chờ, ỷ lại, tạo ra khí thế thi đua giữa các gia đình, dòng họ, giữa các thôn, bản với nhau.

Thôn Bản Phố (xã Cao Kỳ), thôn Bản Áng (xã Thanh Thịnh) và thôn Bản Tết 1 (xã Nông Hạ) thuộc huyện Chợ Mới đã được công nhận thôn đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Thực hiện chủ trương của tỉnh và của huyện về xây dựng nông thôn mới, các thôn đã đẩy mạnh phát triển kinh tế, tranh thủ nguồn lực được hỗ trợ và huy động sức dân đầu tư xây dựng các công trình công cộng. Đến nay, đường làng, ngõ xóm khang trang, sạch đẹp, kênh mương nội đồng được đầu tư xây dựng, đảm bảo nguồn nước tưới tiêu, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Ngoài phát triển cây mía, các thôn đã phát triển các loại cây trồng ngắn ngày và rau màu các loại cho giá trị kinh tế cao. Nhờ đó, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện.

Thôn Nà Nàng, xã Nông Thượng nhận Quyết định công nhận thôn đạt chuẩn nông thôn mới

Đến thôn Nà Nàng, xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn hôm nay ai cũng thấy có sự đổi thay rõ rệt. Thôn có tổng số 102 hộ chủ yếu sản xuất nông nghiệp, thu nhập trung bình trên 33 triệu đồng mỗi năm. Cơ sở hạ tầng như điện, đường giao thông, nhà văn hóa thôn được đầu tư khang trang. Tỷ lệ đường bê tông nội thôn và kênh mương nội đồng được kiên cố hóa đạt 100%. Trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới có 12 hộ hiến đất làm đường với 700 m2. Bên cạnh đó, người dân trong thôn cũng tích cực đóng góp kinh phí và ngày công để xây dựng nhà văn hóa và làm đường… Thôn nhiều năm liên tục được công nhận danh hiệu Khu dân cư văn hóa, tỷ lệ Gia đình văn hóa hằng năm đạt trên 90%. Đến nay, 13 năm liền thôn không có người sinh con thứ 3. Thực hiện mô hình khu dân cư “xanh - sạch - đẹp”, Nhân dân trong thôn đã làm tốt công tác vệ sinh môi trường... Từ những thành quả trên, thôn Nà Nàng, xã Nông Thượng được UBND thành phố Bắc Kạn công nhận công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Ngược lên bản Pác Ngòi thuộc xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể sẽ thấy một bức tranh nông thôn khác bởi nơi đây đã và đang thực hiện xây dựng nông thôn mới gắn với du lịch cộng đồng để giữ gìn bản sắc văn hóa bản làng. Nằm trọn trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Ba Bể, thôn Pác Ngòi có 97 hộ dân, chủ yếu là dân tộc Tày sinh sống. Hiện nay, 3 km đường trục thôn đã được bê tông, đạt 100%. Hệ thống kênh mương thủy lợi đáp ứng nước tưới tiêu cho 19 ha đất sản xuất nông nghiệp; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 96% hộ gia đình đạt Gia đình văn hóa; thôn đạt danh hiệu Khu dân cư văn hóa 5 năm liên tục, tỷ lệ lao động được đào tạo nghề có việc làm chiếm 75%. Đường làng, ngõ xóm trồng các loại hoa, cây cảnh và được quét dọn thường xuyên tạo nên cảnh quan môi trường sạch, đẹp. Năm 2020, thôn được UBND huyện Ba Bể công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Nhờ sự chung tay của người dân trong thôn đã đóng góp tích cực cho việc thu hút khách du lịch đến với địa phương.

Bản Pác Ngòi, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể (Ảnh sưu tầm)

Với nhiều nỗ lực trong việc phát huy tối đa vai trò chủ thể của người dân, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng, đến nay, toàn tỉnh có 24 thôn đạt chuẩn nông thôn mới. Triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2021, tỉnh Bắc Kạn phấn đấu số thôn đạt chuẩn nông thôn mới tăng thêm 75 thôn (lũy kế cả tỉnh có 99 thôn đạt chuẩn nông thôn mới), đồng thời duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí thôn nông thôn mới đã đạt.

Đối với các tiêu chí chưa đạt, UBND các huyện chỉ đạo, hướng dẫn UBND xã, thôn xây dựng kế hoạch thực hiện từng tiêu chí hằng năm và cả giai đoạn. Ưu tiên tập trung nguồn vốn ngân sách nhà nước, huy động các nguồn vốn hợp pháp khác, chủ động lồng ghép các nguồn vốn khác với nguồn vốn của Chương trình xây dựng nông thôn mới để hỗ trợ thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí chưa đạt. Xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, phát triển vùng nguyên liệu của thôn phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương gắn với Chương trình “Mỗi xã phường một sản phẩm”, mô hình phát triển du lịch cộng đồng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và lợi thế của địa phương. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Duy trì thường xuyên các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Xây dựng các mô hình văn hóa, thể thao có hiệu quả như mô hình văn nghệ dân gian, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, câu lạc bộ văn hóa, thể thao theo nhóm sở thích; mô hình tổ chức quần chúng tham gia vào công tác đảm bảo an ninh trật tự như mô hình tổ an ninh nhân dân, tổ hòa giải...

Xây dựng nông thôn mới từ thôn bản sẽ là điểm tựa, là nền tảng vững chắc để các địa phương thực hiện mục tiêu cao hơn trong xây dựng xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao và tiến tới nông thôn mới kiểu mẫu, qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân./.

Hương Lan