PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

16/11/2023
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Bắc Kạn triển khai mô hình hỗ trợ chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh
Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao Thành Đạt, thôn Nà Nạc, xã Hiệp Lực, huyện Ngân Sơn và Hợp tác xã Thương mại và Dịch vụ Toàn Dân, thôn Cọn Pỏong, xã Nam Cường, huyện Chợ Đồn được tỉnh chọn làm điểm triển khai mô hình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Công nghệ cao Thành Đạt và HTX Thương mại và Dịch vụ Toàn Dân là hai đơn vị mới được thành lập năm 2021, phát triển nông nghiệp theo hướng liên kết và xây dựng hệ thống sản xuất khép kín từ giống đến bao tiêu sản phẩm nông nghiệp.

Mô hình trồng dưa trong nhà lưới của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Thành Đạt

Hai HTX này đều đã đạt những thành tựu đáng kể sau hơn một năm thành lập. HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Thành Đạt xây dựng một khu nhà lưới công nghệ cao để sản xuất dưa lưới và ươm giống cây dâu tây, thu được 28 tấn dưa lưới, hơn 10 tấn quả dâu tây và cung ứng hơn 20 vạn cây giống dâu tây; đồng thời tiêu thụ hơn 60 tấn bí xanh, 15 tấn cà chua trái vụ và hơn 20 tấn bắp cải vụ sớm trong năm 2021. Tỷ lệ sản phẩm đầu ra đạt trên 70%, đảm bảo môi trường và an toàn vệ sinh lao động.

Năm 2022, HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Thành Đạt và các thành viên trồng thành công 7 ha bí xanh, thu được trên 200 tấn bí xanh; trồng 2.000 m2 dưa lưới, thu về 12 tấn quả thương phẩm; trồng 7.000 m2 cây dâu tây và xuất ra thị trường khoảng 10.000 cây giống dâu tây. Tỷ lệ sản phẩm được HTX bao tiêu cho người dân tăng lên đến 80%.

Tuy nhiên, HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Thành Đạt vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Quy mô vùng trồng còn chưa mở rộng đủ để đáp ứng tiềm năng của các thành viên và thị trường. Kỹ thuật trồng trọt và chế biến thủ công, chưa áp dụng công nghệ cao dẫn đến hạn chế trong kiểm soát chất lượng sản phẩm. Để vượt qua những khó khăn này, việc đầu tư và ứng dụng công nghệ cao trong quá trình sản xuất, từ giống, trồng đến thu hoạch, được xem là giải pháp quan trọng giúp HTX nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần thực hiện thành công các tiêu chí nông thôn mới của địa phương.

HTX Thương mại và Dịch vụ Toàn Dân cũng đang theo đuổi mục tiêu tương tự trong phát triển nông nghiệp và có những bước đi khả quan. HTX có 8 thành viên, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đạt doanh thu 700 - 800 triệu đồng mỗi năm.

Cả hai HTX này đang mở rộng diện tích trồng các loại cây như bí xanh, dưa lưới, dâu tây trên địa bàn và các xã lân cận, vì vậy đang rất cần sự hỗ trợ trong ứng dụng công nghệ cao để nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất và tăng cường khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, đồng thời đảm bảo đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững trong nông nghiệp.

Mục tiêu mô hình hỗ trợ chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh tại HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Thành Đạt và HTX Thương mại và Dịch vụ Toàn Dân nhằm hình thành khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, ổn định chất lượng sản phẩm, gia tăng giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, hướng tới phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Theo đó, hai HTX này sẽ được đầu tư nâng cấp hệ thống thiết bị, cụ thể là đầu tư hệ thống điều khiển trung tâm gắn kết với hệ thống tưới, hệ thống chiếu sáng, hệ thống kiểm soát nhiệt độ, sử dụng công nghệ điện toán đám mây kết nối các thiết bị đầu cuối xuyên suốt quá trình trồng trọt. Ngành chức năng của tỉnh cũng sẽ tổ chức đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực thành viên HTX trong tiếp cận ứng dụng chuyển đối số, sử dụng hệ thống SmartFarm vào quản trị sản xuất, kỹ thuật khuyến nông; minh bạch hóa dữ liệu sản xuất, đảm bảo ổn định chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Tổng nguồn vốn thực hiện mô hình là 513 triệu đồng, bao gồm nguồn vốn sự nghiệp ngân sách trung ương, nguồn vốn sự nghiệp ngân sách địa phương và nguồn đối ứng của các chủ thể.

Mô hình hỗ trợ chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới hướng tới nông thôn mới thông minh được triển khai có ý nghĩa quan trọng, góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, phát triển kinh tế, hiện đại hoá nông thôn, thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Ngoài ra, mô hình còn làm hình mẫu về triển khai chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới để các địa phương khác nghiên cứu, nhân rộng./.

Bích Huệ