PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

06/01/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Bước “chuyển mình” ở Na Rì
Na Rì đang ngày càng phát triển trên nhiều lĩnh vực. Để có được diện mạo như hôm nay, bên cạnh sự hỗ trợ của tỉnh, các sở, ngành, địa phương là sự nỗ lực, chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc toàn huyện.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Khi mới tái lập tỉnh năm 1997, kinh tế của huyện Na Rì phát triển chậm, cơ sở hạ tầng thiếu thốn và lạc hậu, đường giao thông xuống cấp nghiêm trọng. Năm 1997, tổng sản lượng lương thực quy thóc đạt 12.937,7 tấn; lương thực bình quân đầu người đạt 360 kg/năm. Để vượt qua khó khăn, huyện tập trung khai thác các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tập trung phát triển kinh tế, ổn định đời sống cho Nhân dân.

25 năm sau, huyện đã có bước “chuyển mình” đáng kể trên nhiều lĩnh vực. Nhiều giải pháp để phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp được triển khai như: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng giống mới, tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất; hỗ trợ người dân liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm... Đến nay, tổng diện tích các cây trồng hằng năm của huyện đạt 9.553,86 ha; lương thực bình quân đầu người đạt 815,05 kg/năm; diện tích cây ăn quả đạt 809,31 ha. Hiện Na Rì có 22 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm 5 sao cấp Quốc gia, 2 điểm bán hàng OCOP. Nhờ tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ nên lĩnh vực chăn nuôi ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Tổng đàn đại gia súc đến nay đạt 13.011 con, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 344,7 ha. Trong lĩnh vực lâm nghiệp, đến nay, huyện trồng được 522,918 ha rừng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Thị Minh Hoa thăm mô hình trồng gừng tại huyện Na Rì
Người dân xã Kim Lư phát huy tiềm năng về đất đai để trồng quýt
Hoạt động chăn nuôi gia súc ở xã Sơn Thành phát triển ổn định

Năm 2020, sản phẩm miến dong của Hợp tác xã Tài Hoan thuộc xã Côn Minh, huyện Na Rì đã vinh dự đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 5 sao cấp Quốc gia (Ảnh: Đóng gói miến dong tại Hợp tác xã Tài Hoan)

Song song với phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, huyện cũng đang từng bước được đầu tư phát triển công nghiệp. Trong năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định thành lập Cụm Công nghiệp Vằng Mười xây dựng trên địa bàn xã Trần Phú với tổng diện tích 15 ha, mở ra tiềm năng phát triển công nghiệp của huyện. Cùng với đó, công trình Thủy điện Pác Cáp mặc dù mới được đưa vào sử dụng từ tháng 9/2021 nhưng đã đem lại doanh thu 600 triệu đồng/tháng, với sản lượng điện mỗi tháng đạt khoảng 750 triệu kWh.

Không chỉ quan tâm phát triển kinh tế, công tác văn hóa, xã hội cũng luôn được huyện quan tâm. Trong năm học 2020 - 2021, huyện có 100% trẻ mầm non và học sinh hoàn thành chương trình giáo dục mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 99,06%. Kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tiếp tục được củng cố và giữ vững, đến nay, huyện có 5 trường đạt chuẩn Quốc gia.

Lĩnh vực giáo dục và đào tạo được quan tâm đầu tư

Công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân được duy trì thực hiện tốt. Các cơ sở y tế được cung cấp đủ thuốc, vật tư hóa chất đảm bảo phục vụ công tác khám, chữa và phòng chống dịch bệnh. Trong năm 2021, công suất sử dụng giường bệnh đạt 129%; thực hiện khám chữa bệnh tại các tuyến được 25.000 lượt; duy trì tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 98%; có 17/17 xã, thị trấn đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế. Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 được triển khai trên địa bàn 17 xã, thị trấn của huyện. 

Công tác chăm sóc sức khỏe được chú trọng

Đề án bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch huyện Na Rì nay đã hoàn thiện và đưa vào thực hiện. Các xã, thị trấn cũng tích cực ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động.

Đời sống văn hóa, tinh thần của người dân được nâng lên

Chia sẻ về chặng đường phía trước, Chủ tịch UBND huyện Na Rì Nông Văn Nguyên cho biết, thời gian tới, huyện tiếp tục khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, huy động có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, mở rộng liên kết sản xuất, từng bước phát triển nông nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp, kinh tế tập thể. Xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông để phát triển du lịch và dịch vụ. Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, chú trọng giảm nghèo nhanh và bền vững. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương, đặc biệt chú trọng công tác phòng, chống dịch Covid-19.../.

Ngọc Tú