Độ tương phản
Cùng với ưu tiên phát triển hạ tầng số là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao năng lực khai thác hạ tầng số cho người dân (Ảnh: Thành phố Bắc Kạn tổ chức Ngày hội chuyển đổi số năm 2024)
Từ tháng 10/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển hạ tầng số giai đoạn 2023 - 2025, trong đó xác định phát triển đồng bộ hạ tầng viễn thông băng rộng; sử dụng dịch vụ viễn thông; hạ tầng điện toán đám mây; hạ tầng công nghệ số và nền tảng số với các chỉ tiêu chủ yếu:
Tỷ lệ thôn, bản được phủ băng rộng di động đạt 100%; tỷ lệ thôn, bản được phủ băng rộng cố định (cáp quang FTTH) đạt 100%; tỷ lệ dùng chung vị trí trạm BTS đạt 25%; tỷ lệ UBND cấp xã kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng đạt 100%; tỷ lệ thuê bao sử dụng điện thoại thông minh (SMP)/tổng thuê bao điện thoại di động đạt 90%; tỷ lệ người sử dụng Internet đạt 90%; tỷ lệ hộ gia đình có khả năng tiếp cận cáp quang khi có nhu cầu đạt 100%; tỷ lệ hộ gia đình có truy nhập Internet (bao gồm băng rộng cố định và băng rộng di động) đạt 80%; tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 100%; 90% đường truyền Internet cố định có kết nối đến cá nhân tốc độ trung bình 200 Mb/s; 100% đường truyền Internet kết nối đến cơ quan, đơn vị có tốc độ trung bình 1 Gb/s; mạng băng rộng di động với tốc độ trung bình 70Mb/s phủ sóng 100% dân số; phủ sóng kết nối IoT tại các khu công nghiệp, sản xuất; sẵn sàng cung cấp dịch vụ, khả năng tích hợp với tất cả các thành phần hạ tầng vật lý của các ngành y tế, giáo dục, giao thông, năng lượng, điện, nước; 100% cơ quan quản lý nhà nước dùng hệ sinh thái điện toán đám mây phục vụ Chính phủ số; 70% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sử dụng dịch vụ điện toán đám mây do doanh nghiệp trong nước cung cấp; trung bình mỗi người dân có 1 tài khoản sử dụng dịch vụ điện toán đám mây; các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT) bước đầu thâm nhập vào nhiều lĩnh vực kinh tế và xã hội; AI, IoT hỗ trợ hiệu quả cho quá trình chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn, phát triển kinh tế số đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hệ thống quản trị số địa phương và năng lực quản trị; 100% cơ quan, tổ chức nhà nước, 70% doanh nghiệp sử dụng nền tảng số phục vụ chuyển đổi số;…
Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông, đến hết năm 2024, 100% xã, phường, thị trấn và 97% thôn, bản trên địa bàn tỉnh được phủ sóng di động; số thuê bao điện thoại trên địa bàn tỉnh đạt 355.492 thuê bao; số thuê bao điện thoại thông minh (smartphone) đạt 293.080 thuê bao (chiếm 89,9% dân số); mật độ thuê bao điện thoại đạt 100,9 thuê bao/100 dân; số thuê bao truy nhập Internet băng rộng (bao gồm di động và cố định FTTH) đạt 366.897 thuê bao (đạt tỷ lệ 112% dân số); ỷ lệ hộ gia đình có băng rộng cáp quang FTTH đạt 71%; hiện có 15 trạm phát sóng 5G.
Bên cạnh đó, Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh được duy trì hoạt động ổn định. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành việc nâng cấp mở rộng hạ tầng kỹ thuật Trung tâm tích hợp dữ liệu và đưa vào sử dụng 230/350 máy chủ ảo hóa phục vụ triển khai 41 hệ thống, phần mềm chuyên ngành và các phần mềm dùng chung của tỉnh. Hạ tầng kỹ thuật tại Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh đã đáp ứng triển khai các ứng dụng chuyển đổi số cho 100% các cơ quan, đơn vị của tỉnh có nhu cầu sử dụng để khai thác, vận hành và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong thời gian tới. Hoàn thành hạng mục xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) của tỉnh, đáp ứng kết nối giữa hệ thống của tỉnh với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia của các bộ, ngành Trung ương; tỉnh đã kết nối, đưa vào khai thác 23/27 dịch vụ dữ liệu có trên Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP).
Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh tiếp tục duy trì kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thúc đẩy việc kết nối hệ thống đến hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu các bộ, ngành Trung ương, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, địa phương trong thực hiện giải quyết thủ tục hành chính. Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến kết nối đến cấp xã tiếp tục duy trì hiệu quả, hoạt động ổn định, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh...
Theo Sở Thông tin và Truyền thông, trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ phát triển hạ tầng số, Bắc Kạn gặp không ít khó khăn như địa hình miền núi phức tạp (hiện còn 42 thôn bản chưa phủ sóng điện thoại di động); trình độ dân trí không đồng đều; nguồn kinh phí cho phát triển hạ tầng số chưa đáp ứng yêu cầu do ngân sách hạn hẹp; một số tiêu chí Trung ương chưa triển khai trong toàn quốc nên một số chỉ tiêu chưa đạt theo Kế hoạch (điện toán đám mây...). Chỉ số thành phần chuyển đổi số (DTI) đối với hạ tầng số của tỉnh Bắc Kạn năm 2023 đứng thứ 59/63 tỉnh, thành phố trong cả nước…
Chiến lược hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ (ban hành tại Quyết định số 1132/QĐ-TTg ngày 9/10/2024) xác định rõ: Hạ tầng số là hạ tầng của nền kinh tế, đóng vai trò then chốt trong phát triển kinh tế số, xã hội số và Chính phủ số; được Nhà nước ưu tiên phát triển và bảo vệ như hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng, ngang tầm với các nước phát triển; là nền tảng để Việt Nam trở thành quốc gia số hiện đại, thông minh, góp phần đưa Việt Nam đạt mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và đạt mức thu nhập cao vào năm 2045.
Triển khai thực hiện Chiến lược, tỉnh Bắc Kạn xác định mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025, hoàn thành các mục tiêu về hạ tầng viễn thông băng rộng; sử dụng dịch vụ viễn thông; hạ tầng điện toán đám mây; hạ tầng công nghệ số và nền tảng số; 85% số hộ gia đình có khả năng tiếp cận cáp quang khi có nhu cầu; 90% người sử dụng có thể truy cập Internet cố định, tốc độ trung bình 200 Mb/s; 90% các tổ chức kinh tế - xã hội như doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, trường học, bệnh viện, công sở tại khu vực thành thị có thể truy cập Internet với tốc độ trung bình 1 Gb/s; mạng băng rộng di động trên địa bàn tỉnh đáp ứng Quy chuẩn quốc gia về chất lượng dịch vụ, với mục tiêu tốc độ tải xuống trung bình tối thiểu 40 Mb/s cho mạng 4G và 100 Mb/s cho mạng 5G; triển khai dịch vụ di động 5G tại trung tâm thành phố Bắc Kạn, khu công nghiệp và các khu, điểm du lịch của tỉnh; trung bình mỗi người dân có một kết nối Internet vạn vật (IoT-Internet of Things); mỗi người dân có 1 định danh số; tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử đạt trên 50%; 100% các cơ quan Đảng, Nhà nước từ tỉnh đến cấp xã được kết nối vào Mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước.
Mục tiêu đến năm 2030, 100% người sử dụng có khả năng truy cập cáp quang với tốc độ 1Gb/s trở lên; mạng băng rộng di động 5G phủ sóng 99% dân số; xây dựng, bảo đảm năng lực, sẵn sàng triển khai thử nghiệm mạng di động 6G; số lượng kết nối IoT đạt mức trung bình cao trong nước hoặc trung bình mỗi người dân 4 kết nối IoT; tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử đạt trên 70%; hạ tầng số đáp ứng yêu cầu của việc mở rộng Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh kết nối với Trung tâm dữ liệu quốc gia.
Để đạt được các mục tiêu này, tỉnh Bắc Kạn sẽ tập trung triển khai đồng bộ nhiều nội dung nhiệm vụ quan trọng.
Về phát triển hạ tầng viễn thông và Internet, tỉnh chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp đầu tư tận dụng, khai thác đối đa cơ sở hạ tầng của hệ thống truyền dẫn hiện có, tiếp tục xây dựng và mở rộng mạng cáp quang băng rộng tốc độ cao đến các thôn trên cả tỉnh, thực hiện phổ cập sẵn sàng kết nối cáp quang băng rộng đến hộ gia đình có nhu cầu. Ưu tiên phát triển mới trạm thu phát sóng thông tin di động với các loại cột ăng - ten thân thiện với môi trường, đảm bảo mỹ quan đô thị. Tập trung phát triển, mở rộng vùng phủ sóng di động 5G và các thế hệ tiếp theo, tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ mạng tại các khu vực trọng điểm, khu vực công cộng tập trung đông dân cư, trường học, cơ sở y tế và khu điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sớm triển khai các công nghệ mới trong quá trình phát triển hạ tầng số như mạng di động 6G, mô hình dữ liệu mở,… theo định hướng chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương.
Về hạ tầng dữ liệu, tỉnh tiếp tục đầu tư nâng cấp, vận hành và khai thác hiệu quả Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh theo hướng áp dụng công nghệ mới, đảm bảo tính linh hoạt và an toàn thông tin; nghiên cứu triển khai thí điểm tích hợp, sử dụng hạ tầng điện toán đám mây vào các hệ thống thông tin phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Khuyến khích, thúc đẩy các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp và người dân ưu tiên dùng dịch vụ điện toán đám mây do các doanh nghiệp trong nước cung cấp, phát triển.
Về hạ tầng vật lý - số, triển khai tích hợp cảm biến và ứng dụng công nghệ số vào các hạ tầng thiết yếu như giao thông, năng lượng, điện, nước, đô thị để chuyển đổi thành một bộ phận cấu thành quan trọng của hạ tầng số. Tận dụng cơ sở hạ tầng mạng di động 4G, 5G cho các giải pháp IoT, khai thác sức mạnh của điện toán đám mây và tích hợp các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển các ngành công nghiệp. Nghiên cứu, thúc đẩy phát triển hạ tầng vật lý - số trong các lĩnh vực có tác động lớn như giao thông thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh… để nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Về hạ tầng tiện ích số và công nghệ số như dịch vụ, tỉnh tập trung xây dựng và phát triển hạ tầng tiện ích số và các nền tảng công nghệ số như định danh số; xác thực số; thanh toán số; hóa đơn số; tích hợp, chia sẻ dữ liệu; xác thực văn bản số; chữ ký số và chứng thực chữ ký số. Nghiên cứu, ứng dụng các dịch vụ công nghệ AI, blockchain, IoT để thông minh hoá, tự động hoá các hoạt động kinh tế, xã hội.
Theo đó, về giải pháp trong thời gian tới, tỉnh sẽ nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, ban hành các chính sách thúc đẩy, ưu tiên không gian, vị trí, tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng, xây dựng các trung tâm lưu trữ dữ liệu, trạm trung chuyển Internet,… trên địa bàn tỉnh; đặc biệt ưu tiên bố trí nguồn lực cho phát triển hạ tầng số.
Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao năng lực khai thác hạ tầng số; tuyên truyền, phổ biến những đặc tính, khả năng đáp ứng, cung cấp dịch vụ của hạ tầng băng rộng cố định, băng rộng di động chất lượng cao (5G, 6G) để các cá nhân, tổ chức nắm bắt, xác định nhu cầu (về tốc độ, độ trễ,…) theo từng mục đích sử dụng (y tế, giáo dục, thương mại điện tử,…), từ đó đặt hàng các doanh nghiệp hạ tầng số thiết lập cung cấp. Truyền thông, phổ biến các kỹ năng số cơ bản cho người dân, bao gồm các kỹ năng như truy cập và sử dụng Internet, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử, dịch vụ công trực tuyến và bảo đảm an toàn thông tin cá nhân. Triển khai các chiến dịch tuyên truyền, nâng cao nhận thức về lợi ích của việc chuyển đổi từ hạ tầng công nghệ thông tin đơn lẻ sang điện toán đám mây nhằm tăng tỷ lệ sử dụng điện toán đám mây của các doanh nghiệp…/.
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong cuộc sống (24/02/2025)
Báo chí Bắc Kạn trong công cuộc chuyển đổi số (11/02/2025)
Bắc Kạn tăng 5 bậc Chỉ số chuyển đổi số DTI (07/02/2025)
[Infographics] Chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn năm 2024: Những kết quả nổi bật (15/01/2025)
Chuyển đổi số - con người là trung tâm (01/01/2025)