PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

09/06/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Tín dụng tăng trưởng tích cực trong 6 tháng đầu năm
Ngân hàng nhà nước Chi nhánh tỉnh cho biết, với các giải pháp, chính sách điều hành linh hoạt của Nhà nước cũng như theo diễn biến tích cực hơn của nền kinh tế, tổng dư nợ cấp tín dụng tín dụng đến cuối tháng 6/2024 ước đạt 13.850 tỷ đồng, tăng 7,8% so với 31/12/2023 và tăng 18,1% so với cùng kỳ.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData


Giao dịch tại Chi nhánh BIDV Bắc Kạn

Hoạt động của các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; bám sát các dự án đầu tư của tỉnh, ưu tiên vốn cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa; cho vay hỗ trợ lãi suất theo các Nghị quyết của HĐND tỉnh.

Các chi nhánh Ngân hàng thương mại trên địa bàn tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho khách hàng trong quan hệ tín dụng, tạo điều kiện cho khách hàng trong tiếp cận nguồn tín dụng theo đúng quy định của pháp luật. Cùng với đó là triển khai áp dụng các thủ tục vay vốn đã được đơn giản hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số, ứng dụng dữ liệu từ cơ sở quốc gia về dân cư trong hoạt động cho vay, tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay; áp dụng đa dạng các sản phẩm tín dụng phù hợp với từng loại hình, nhu cầu vay vốn hợp pháp, chính đáng của người dân và doanh nghiệp, cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng, góp phần hạn chế tín dụng đen.

Tổng dư nợ cấp tín dụng đến 30/6/2023 ước đạt 13.850 tỷ đồng, tăng 7,8% so với 31/12/2023, tăng 18,1% so với cùng kỳ (dư nợ cho vay 13.790 tỷ đồng, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp 60 tỷ đồng).

Trong đó, tổng dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn ước là 6.428 tỷ đồng, chiếm 46,4% trong tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng trên địa bàn, tăng 3,7% so với 31/12/2023, tăng 7,6% so với cùng kỳ; ​dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp ước đạt 4.500 tỷ đồng (chiếm 32,5% tổng dư nợ cấp tín dụng), tăng 18% so với 31/12/2023, trong đó, dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa ước đạt 1.955 tỷ đồng, tăng 50,8% so với cuối năm 2023, tăng 58,4% so với cùng kỳ; dư nợ tín dụng chính sách của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh ước đạt 3.374 tỷ đồng, tăng 2,5% so với cuối năm 2023, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng huy động vốn của các ngân hàng trên địa bàn đến 30/6/2024 ước đạt 15.040 tỷ đồng, tăng 4,5% so với 31/12/2023, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nguồn tiền gửi tiết kiệm dân cư chiếm tỷ trọng lớn (chiếm 74,6%, tăng 8,7% so với cuối năm trước), huy động vốn có kỳ hạn trên 12 tháng chiếm 48,6%, điều này cho thấy kênh huy động vốn của các ngân hàng trên địa bàn hiệu quả, an toàn, bền vững, được người dân lựa chọn để đầu tư.

Để nâng cao chất lượng tín dụng, các Ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh chấp hành nghiêm quy chế cho vay, kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay, nâng cao chất lượng thẩm định; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với hoạt động tín dụng; rà soát, đánh giá lại nợ xấu, đánh giá tình hình hoạt động, khả năng trả nợ của khách hàng; xây dựng phương án xử lý nợ xấu phù hợp; đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, quá hạn, nợ xấu, nợ đã xử lý rủi ro. Ước tính nợ xấu đến 30/6/2024 là 128 tỷ đồng, chiếm 0,9% trong tổng dư nợ.

Trong 6 tháng cuối năm, hệ thống Ngân hàng tỉnh Bắc Kạn phấn đấu huy động vốn tăng từ 10 - 12% so với cuối năm 2023; dư nợ tăng từ 8 - 10% so với cuối năm 2023; nợ xấu chiếm tỷ lệ dưới 3% trong tổng dư nợ.

Theo đó, các Ngân hàng tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo kịp thời, minh bạch, đúng đối tượng. Tích cực thực hiện các nhiệm vụ tín dụng quy định tại các Chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình hỗ trợ lãi suất theo các Nghị quyết của HĐND tỉnh. Tăng cường kiểm soát, không để tình trạng cấp tín dụng một số doanh nghiệp, nhóm khách hàng lớn có thể gây ra các rủi ro, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn và lành mạnh của tổ chức tín dụng. Thường xuyên kiểm tra, giám sát và đánh giá việc sử dụng vốn vay, khả năng trả nợ của khách hàng, hạn chế nợ xấu phát sinh.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh và xác thực điện tử trong hoạt động ngân hàng. Tuyên truyền, quảng bá, cung ứng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng đa dạng, hiện đại, đáp ứng nhu cầu giao dịch của khách hàng. Thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn các hệ thống công nghệ thông tin, dữ liệu, hệ thống thanh toán.

Đồng thời tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan làm tốt công tác truyền thông về kết quả thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ - ngân hàng; chủ động truyền thông, hướng dẫn nâng cao kiến thức, kỹ năng sử dụng dịch vụ ngân hàng an toàn, phòng chống tội phạm công nghệ cao, rủi ro an ninh mạng, hoạt động gian lận, lừa đảo trên không gian mạng; chủ động nắm bắt các vấn đề báo chí, dư luận quan tâm để phối hợp truyền thông đầy đủ, kịp thời, tạo sự đồng thuận ủng hộ đối với hoạt động ngân hàng./.

BH