PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

13/12/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Ứng dụng hiệu quả công nghệ sinh học trong sản xuất và đời sống
Trong thời gian qua, tại tỉnh Bắc Kạn, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ sinh học từng bước được đẩy mạnh, toàn diện trên các lĩnh vực và được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất và đời sống.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Với định hướng nghiên cứu khoa học và công nghệ tập trung vào ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghiệp chế biến, trong những năm qua, Bắc Kạn đã triển khai nhiều đề tài, dự án, góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho việc phát triển cây trồng, vật nuôi, xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh, tạo tiền đề để ứng dụng rộng rãi công nghệ cao, công nghệ sinh học trong sản xuất.

Nông lâm nghiệp là lĩnh vực phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học nhiều nhất, chiếm hơn 65% tổng số các nhiệm vụ. Việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, phục vụ nhu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản.

Nhiều đề tài, dự án đã được triển khai hiệu quả như Dự án "Ứng dụng công nghệ sinh học xây dựng mô hình nuôi trồng nấm dược liệu Linh Chi (Ganoderma lucidum), nấm Vân Chi (Trametes versicolor) từ nguyên liệu ngọn, cành, mùn cưa cây Keo tại tỉnh Bắc Kạn" được phê duyệt triển khai bắt đầu từ năm 2021, đơn vị chủ trì là Trung tâm Ứng  dụng Khoa học - Công nghệ và Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng. Dự án được triển khai với mục tiêu xây dựng mô hình nuôi trồng các loại nấm dược liệu Linh Chi, Vân Chi từ nguyên liệu gỗ cây Keo (thân, cành, ngọn tươi, mùn cưa) nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu dư thừa trong lâm nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và bảo vệ môi trường.

Để đạt được mục tiêu, Dự án dự kiến triển khai 4 nội dung gồm: Xây dựng mô hình và hoàn thiện hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng nấm dược liệu Linh Chi, Vân Chi từ nguyên liệu thân, cành, ngọn, mùn cưa cây Keo; chế biến một số sản phẩm nấm Linh Chi, Vân Chi; đánh giá chất lượng sản phẩm và quảng bá, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm nấm Linh Chi, Vân Chi; đăng ký mã số, mã vạch, thiết kế bao bì sản phẩm.


HXT Minh Anh phát triển đa dạng sản phẩm sau khi được hỗ trợ từ dự án ứng dụng công nghệ sinh học

Chị Nông Thị Biệt - Giám đốc Hợp tác xã Minh Anh, phường Xuất Hóa, thành phố Bắc Kạn cho biết, được triển khai Dự án ứng dụng công nghệ sinh học xây dựng mô hình nuôi trồng nấm dược liệu Linh Chi, nấm Vân Chi từ nguyên liệu ngọn, cành, mùn cưa cây keo tại tỉnh từ năm 2021. Sau khi Dự án được nghiệm thu năm 2023, đến nay, Hợp tác xã đã duy trì và phát triển các sản phẩm, tạo việc làm cho người dân địa phương. Các sản phẩm từ Dự án được phát triển như Nấm Linh Chi nguyên tai, Nấm bon sai Linh Chi Minh Anh, Trà túi lọc Linh Chi Minh Anh; nấm Linh Chi, Vân Chi nguyên chất; rượu Linh Chi, Vân Chi. Đặc biệt, hợp tác xã đã phát triển thành công sản phẩm Nấm Bonsai Linh Chi Minh Anh và được công nhận sản phẩm sáng tạo kỹ thuật của tỉnh năm 2023. Nuôi trồng nấm Vân Chi là mô hình lần đầu tiên được triển khai trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã góp phần đa dạng hóa các sản phẩm nấm dược liệu, mở ra triển vọng trở thành mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương.

Ngoài ra, các sản phẩm như mộc nhĩ khô, mộc nhĩ thái chỉ; nấm sò tươi cũng được Hợp tác xã áp dụng khoa học công nghệ theo quy chuẩn sản xuất đảm bảo chất lượng, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Tổng doanh thu những năm gần đây của Hợp tác xã đạt trên 1 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, hiện nay, tỉnh đang triển khai Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi bò lai sinh sản khép kín đảm bảo an toàn khoa học” tại huyện Chợ Đồn do Viện Chăn nuôi chủ trì thực hiện trong thời gian 36 tháng, từ tháng 6/2023 đến tháng 6/2026.

Sản phẩm của Dự án phấn đấu đạt được là 40 con bò được thụ tinh nhân tạo bò Brahman, BBB; Bê lai Brahman 20 con; Bê lai BBB 10 con. Xây dựng 2 mô hình trang trại chăn nuôi bò lai sinh sản khép kín đảm bảo an toàn sinh học. Phát triển cây thức ăn chăn nuôi cỏ trồng và cây thức ăn được 5 ha, chế biến 500 tấn thức ăn thô xanh, phụ phẩm nông nghiệp.

Tại xã Đồng Lạc, huyện Chợ Đồn, các hộ dân triển khai Dự án được tham gia mô hình chăn nuôi bò sinh sản khép kín, cải tạo, xây mới chuồng trại, máng ăn, kho dự trữ thức ăn, đồng cỏ. Người dân cũng được hướng dẫn trồng cây thức ăn chăn nuôi, chế biến thức ăn thô xanh, phụ phẩm nông nghiệp, được tư vấn cách phòng, điều trị bệnh và các biện pháp đảm bảo an toàn sinh học trong chăn nuôi bò sinh sản... Đồng thời, các hộ dân thực hiện Dự án đã được đào tạo, tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật chăn nuôi bò lai sinh sản khép kín đảm bảo an toàn sinh học.

Theo đánh giá của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, Dự án sẽ góp phần tăng đàn bò chung của địa phương, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi bò lai sinh sản, phù hợp với hướng đi mới của địa phương trong việc hỗ trợ sinh kế cho đồng bào dân tộc; qua đó, giúp đồng bào thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm để phát triển kinh tế hộ gia đình.

Việc ứng dụng công nghệ sinh hoạt trong hoạt động khoa học và công nghệ đã góp phần tích cực trong phát triển kinh tế của địa phương. Các đề tài, dự án đã hoàn thành như Đề tài “Phục tráng giống bí thơm Ba Bể đảm bảo năng suất cao, chất lượng tốt”, Đề tài “Nghiên cứu tuyển chọn chủng vi sinh vật gốc và sản xuất thử nghiệm chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất rau hữu cơ tại tỉnh Bắc Kạn” đang được duy trì, nhân rộng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Hiện nay, cùng với dự án xây dựng mô hình bò lai sinh sản, Bắc Kạn đang triển khai Dự án “Tiếp nhận công nghệ và chế phẩm sinh học xây dựng mô hình xử lý chất thải chăn nuôi tạo phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Bắc Kạn”. Tỉnh cũng triển khai các nhiệm vụ liên quan đến bảo tồn nguồn gen trên địa bàn tỉnh như Đề tài “ Nghiên cứu bảo tồn và phát triển quần thể chè Shan tuyết cổ thụ (Camellia sinensis var.Shan) gắn với du lịch sinh thái tại xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn”; “Nghiên cứu bảo tồn, phát triển loài sâm mới được phát hiện tại khu vực Phja Bjoóc, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn”...

Các đề tài, dự án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học được triển khai trên nhiều lĩnh vực, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực và sẽ được nhân rộng triển khai trong thời gian tới./.

Hương Lan