Độ tương phản
Nhà văn hóa thôn Lũng Miệng được đầu tư xây dựng khang trang, giao thông đi lại thuận tiện
Những năm qua, cùng với sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương đã có nhiều giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Ngân Sơn, làm cho đồng bào đổi thay tư duy, nhạy bén trong lao động, phát triển kinh tế, đời sống của người dân ngày càng no ấm.
Trước đây, Lũng Miệng vốn là thôn vùng cao, đi lại khó khăn nhất của xã Thuần Mang, người dân chủ yếu sinh sống chủ yếu trên núi cao, tạm bợ, nhưng nay, thôn Lũng Miệng đã khoác lên mình tấm áo mới. Đến Lũng Miệng mùa Xuân này có thể thấy bát ngát những rừng keo, rừng mỡ được người dân trồng, chăm sóc, những ngôi nhà khang trang thấp thoáng sau cánh rừng. Cuộc sống của người dân đã thực sự đổi thay.
Bà Hoàng Thị Mão, người dân thôn Lũng Miệng cho biết, trước đây, đường vào thôn đi lại rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Được Nhà nước đầu tư, đến nay, toàn thôn gần như được bê tông toàn bộ nên đường vào bản đi lại rất thuận tiện. Cách đây 5 - 10 năm có rất ít nhà xây nhưng bây giờ rất nhiều nhà xây kiên cố, chắc chắn.
Từng sinh sống nhiều năm trong ngôi nhà tạm, anh Dương Văn Sải, thôn Lũng Miệng cho hay, năm 2024, gia đình anh được hỗ trợ xây dựng nhà ở, thay cho ngôi nhà cũ đã xuống cấp. Giờ đây gia đình yên tâm không sợ mưa gió, chỉ còn lo tập trung làm ăn thôi.
Toàn thôn Lũng Miệng có 34 hộ, chủ yếu là đồng bào Mông, từ nhiều nguồn hỗ trợ khác nhau, hiện nay cơ bản các hộ đã có nhà kiên cố. Người dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa.
Ở thôn vùng cao này, trước đây, cuộc sống của người dân còn nhiều thiếu thốn, nhất là thông tin về khoa học kỹ thuật mới nhưng những năm gần đây đã có nhiều đổi thay. Người giữ vai trò cầu nối tiếp thu và đưa thông tin đến người dân chính là ông Ngô Văn Sinh, Trưởng thôn Lũng Miệng, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ông đã tuyên truyền thay đổi cơ cấu cây trồng, luân canh tăng vụ, phát triển chăn nuôi, trồng rừng, trồng cây ăn quả, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Để người dân làm theo, ông Sinh luôn đi trước, làm trước, luôn gần gũi lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của người dân, vì vậy, người dân không tin, không nghe, không làm theo những luận điệu của kẻ xấu. Giữ vững khối đại đoàn kết, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Với 20 năm làm trưởng thôn, đồng thời là người có uy tín, ông luôn gương mẫu đi đầu và chăm lo cho người dân trong thôn. Có chương trình, dự án nào có thể hỗ trợ cho người dân thì ông đều triển khai để người dân được hưởng lợi. Công tác tiêm phòng gia súc năm nào cũng đạt 100%. Với sự tuyên truyền vận động của ông Sinh, đời sống của người dân đã nâng lên đáng kể.
Từng không có nguồn vốn để phát triển chăn nuôi, năm 2023, gia đình anh Lý Quốc Thường tại thôn Lũng Miệng đã được hỗ trợ trâu sinh sản, từ 2 con giống ban đầu, hiện nay, đàn trâu của gia đình anh đã phát triển thành 5 con. Gia đình dự định chăm sóc đàn gia súc đến tuổi bán thì sẽ có một nguồn thu nhập lớn cho gia đình. Công việc chăm sóc không vất vả vì tận dụng cây xanh và trồng thêm cỏ để làm nguồn thức ăn cho đàn gia súc. Năm nay, gia đình anh đã không còn trong diện hộ nghèo nữa.
Bà Hoàng Thị Mão chăm sóc đàn bò của gia đình
Lợi thế về diện tích đất đai, ngoài trồng rừng, đa số người dân thôn Lũng Miệng lấy việc phát triển trâu, bò làm hướng đi chính trong phát triển kinh tế. Theo bà con, so với trồng cây ngô, cây lúa thì việc chăn nuôi mang lại hiệu quả cao mặc dù cần kỹ thuật và vốn đầu tư ban đầu lớn. Trước kia, bà con chỉ nuôi mỗi nhà 1 - 2 con để lấy sức kéo và phân bón ruộng, nhưng nay thấy hiệu quả kinh tế từ nhu cầu của thị trường về trâu bò thịt tăng cao thì người dân đã tập trung phát triển chăn nuôi ngày một nhiều hơn.
Việc phát triển chăn nuôi đã được người dân chú trọng, từ 1 đến 2 con ban đầu, bà con tự gây giống hoặc mua thêm ở thôn lân cận. Các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã góp phần quan trọng để tăng tổng đàn cũng như chất lượng con giống.
Ông Ngô Văn Sinh, Trưởng thôn Lũng Miệng cho biết, cùng với công tác trồng rừng, người dân trong thôn chủ yếu phát triển chăn nuôi trâu bò. Nhiều gia đình đã xây dựng được nhà cửa khang trang, đầu tư phát triển kinh tế mạnh hơn từ chăn nuôi. Nhà nhà cùng nâng cao ý thức tự bảo vệ tài sản bằng cách đầu tư chuồng trại, bảo vệ gia súc trong mùa mưa rét và tiêm phòng đầy đủ. Nhà nhiều nhất có 17 con trâu, con bò có nhà cũng phát triển 16 con.
Tích cực phát triển kinh tế, người dân còn quan tâm xây dựng đời sống văn hóa. Nhà văn hóa thôn đã được đầu tư xây dựng khang trang, là nơi sinh hoạt văn hóa và tuyên truyền các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Người dân cùng thảo luận xây dựng hương ước, quy ước của thôn, trong đó đề cao tinh thần đoàn kết vì việc chung, vì vậy, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Từ năm 2017 đến nay, thôn luôn giữ vững danh hiệu Khu dân cư văn hóa.
Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đã dành nhiều nguồn lực quan tâm chăm lo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cộng với sự vững tin và đồng lòng của người dân, Lũng Miệng đang dần đổi thay, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện. Đây là động lực để giúp địa phương phát triển, đặc biệt là giúp người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao chất lượng cuộc sống./.
Chú trọng đánh giá các tiêu chí về môi trường trong phân hạng sản phẩm OCOP (20/01/2025)
Nâng cao hiệu quả các mô hình tự quản tham gia Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (16/12/2024)
Phát huy vai trò chủ thể của Nhân dân trong xây dựng nông thôn mới (21/10/2024)
Hương ước, quy ước giúp bản làng văn minh, tươi đẹp (23/09/2024)
Mỹ Thanh: Gian nan hành trình về đích nông thôn mới (20/09/2024)