PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

24/05/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Khoa học công nghệ đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội
Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng được coi trọng trong chiến lược phát triển kinh tế hiện nay. Các đề tài, dự án khoa học được triển khai hiệu quả trên địa bàn tỉnh đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Kể từ khi tái lập tỉnh từ năm 1997 đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt thực hiện 262 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh, trung bình 9 - 10 nhiệm vụ/năm; trong đó, lĩnh vực khoa học nông nghiệp chiếm 56%, khoa học kĩ thuật và công nghệ chiếm 19%, khoa học y dược 9%, khoa học xã hội và nhân văn 16%. Các nhiệm vụ bám sát Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh qua các nhiệm kỳ, giải quyết kịp thời các vấn đề cấp thiết, vướng mắc ở các địa phương, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của tỉnh.

Kết quả các nhiệm vụ hoàn thành mang lại giá trị khoa học, giá trị thực tiễn, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả kinh tế, là cơ sở cho việc định hướng phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khai thác tiềm năng, lợi thế về khí hậu, đất đai phát triển cây trồng đặc sản tạo thành vùng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho đồng bào các dân tộc và hướng tới tạo các sản phẩm đặc trưng phục vụ phát triển du lịch; đồng thời giúp các cơ quan nhà nước nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động trong công tác quản lý nhà nước các lĩnh vực, góp phần tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đi đầu là lĩnh vực khoa học nông nghiệp, từ các đề tài, dự án thử nghiệm ban đầu về lúa, ngô, cây dong riềng, cam quýt, chè, lúa... đến nay đã hình thành những vùng chuyên canh sản xuất như cam quýt tại huyện Bạch Thông, dong riềng tại huyện Na Rì, Ba Bể, chè tại huyện Chợ Đồn, Chợ Mới, hồng không hạt tại huyện Chợ Đồn, dẻ ván tại huyện Ngân Sơn, bí thơm tại huyện Ba Bể... Các sản phẩm được chế biến thành các sản phẩm hàng hóa tiêu thụ trong nội tỉnh và sang các tỉnh lân cận, tăng thu nhập cho người dân. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp được hình thành, phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất, chế biến, tạo ra được sản phẩm chất lượng, quan tâm đến mẫu mã, mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc..., tiệm cận với các tiêu chuẩn chung trong nước và trên thế giới và gắn với phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, về chăn nuôi, Bắc Kạn đã triển khai một số đề tài, dự án nhằm tăng nhanh đàn gia súc, gia cầm, bảo tồn các giống địa phương (gà, lợn...), làm thay đổi tập quán chăn nuôi quảng canh nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, tạo sản phẩm hàng hóa.

Là một trong những thành viên triển khai đề tài “Phục tráng và phát triển một số giống lúa nếp đặc sản, có giá trị cao tại Bắc Kạn”, chị Triệu Thị Tâm tại xã Yến Dương, huyện Ba Bể cho biết "Trước đây, bà con thường cấy lúa 15 đến 18 dảnh mỗi khóm, cây sinh trưởng không đều, hạt nhỏ, năng suất không cao. Được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn chỉ cấy 1 đến 3 dảnh mỗi khóm, ban đầu người dân chưa tin nhưng khi làm theo thì thấy năng suất cao hơn hẳn. Đồng bào Dao Yến Dương chúng tôi không thể hình dung được tại sao khi cấy có 1 dảnh mà cây lúa lại đẻ nhánh nhiều, cho năng suất cao như vậy. Khi thấy thành quả người dân đã tin và làm theo".

Chị Ma Thị Ninh - Giám đốc Hợp tác xã Yến Dương, huyện Ba Bể chia sẻ, trước đây, khi chưa triển khai đề tài, năng suất lúa đạt khoảng 3,2 tạ/ha, vụ mùa năm 2023 vừa rồi, năng suất đạt đến 4,66 tạ/ha, có sự cải thiện đáng kể khi áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hợp tác xã có kế hoạch mở rộng diện tích sang các xã lân cận cùng điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu nhưng vẫn đảm bảo chất lượng giống từ các giống phục tráng.

Là một trong những đơn vị thực hiện nhiều dự án khoa học trên địa bàn tỉnh, TS Lưu Ngọc Quyến, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc đánh giá, Bắc Kạn đã có nhiều đề tài, dự án được phê duyệt gắn với các chương trình phát triển cây trồng chủ lực, khai thác thế mạnh của tỉnh. Địa phương cũng lựa chọn đầu tư khoa học và công nghệ có trọng điểm, không dàn trải, có chu kì dài đối với một số cây trồng, chủ đề có lợi thế, kết quả mang lại đã góp phần tích cực trong phát triển kinh tế của tỉnh. Để thúc đẩy hơn nữa sự phát triển lĩnh vực này, TS Lưu Ngọc Quyến gợi mở tỉnh tiếp tục quan tâm xây dựng sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng các vùng nguyên liệu, đồng thời phát triển nông nghiệp gắn với du lịch địa phương…

Về lĩnh vực khoa học y dược, mặc dù chiếm tỷ lệ nhỏ nhưng đã có nhiều đóng góp trong chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Các đề tài nghiên cứu đề ra được giải pháp phù hợp với tỉnh. Kỹ thuật mổ nội soi, điều trị xẹp thân đốt sống do loãng xương được Bệnh viện Đa khoa tỉnh làm chủ công nghệ giúp người dân bị bệnh lý và chấn thương ổ bụng có thể được điều trị nhanh chóng, an toàn và tiết kiệm hơn khi không phải chuyển tuyến trên.

Về lĩnh vực khoa học xã hội, các đề tài tập trung nghiên cứu, phân tích, đánh giá về nhiều lĩnh vực như chính trị, quản lý nhà nước, văn hóa, du lịch, giáo dục, an ninh quốc phòng... Bà Đào Thị Mai Sen - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, hằng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo tích cực vận động cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật, Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng và có nhiều sản phẩm, đề tài dự thi. Không chỉ học sinh ở địa bàn thuận lợi tham gia mà nhiều học sinh ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn đã tích cực hưởng ứng tham gia các cuộc thi, hội thi này. Nhiều sản phẩm, đề tài dự thi của học sinh được đánh giá cao, đạt giải cấp tỉnh, được gửi dự thi cấp toàn quốc và đạt giải cao. Những kết quả đạt được trong ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong ngành Giáo dục đã tạo tiền đề để từng bước xây dựng mô hình trường học thông minh.

Phát biểu tại buổi gặp mặt đội ngũ trí thức, tôn vinh trí thức tiêu biểu về khoa học và công nghệ, điển hình lao động sáng tạo, tài năng trẻ về khoa học và công nghệ lần thứ II vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, Bắc Kạn xác định vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là nhiệm vụ quan trọng của tỉnh. Trong những năm vừa qua, tỉnh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp và đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Các nhiệm vụ luôn bám sát Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh qua các nhiệm kỳ, giải quyết kịp thời các vấn đề cấp thiết, vướng mắc ở các địa phương. Các nhiệm vụ hoàn thành mang lại giá trị khoa học, giá trị thực tiễn, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả kinh tế, là cơ sở cho việc định hướng phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển các sản phẩm đặc sản, dần tạo thành vùng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao, từ đó góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân và hướng tới tạo các sản phẩm đặc trưng phục vụ phát triển du lịch. Khoa học công nghệ cũng giúp các cơ quan nhà nước nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động trong công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực, góp phần tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trong thời gian tới, Bắc Kạn tiếp tục triển khai các giải pháp thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giúp phát triển những lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh của ngành, địa phương; tạo cơ chế khuyến khích doanh nghiệp và người dân ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm huy động tối đa các nguồn lực đầu tư cho đổi mới sáng tạo; phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp, đưa hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trở thành một trong những động lực đột phá cho đổi mới mô hình tăng trưởng.../.

Hương Lan