Độ tương phản
Ông Ma Văn Đao ở thôn Khuổi Lè, xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm là một trong những người biết hát Lượn Cọi và thể hiện làn điệu dân ca này thành công ở địa phương. Ông Đao cho biết, từ khi còn nhỏ, ông đã được ông bà, cha mẹ địu sau lưng đi làm việc nhà, việc đồng áng, địu lên nương trồng ngô, trồng sắn và hát ru bằng làn điệu Lượn Cọi; khi lớn lên, ông được tham gia các buổi biểu diễn văn nghệ cùng bố mẹ tại các lễ hội, đám cuới, vào nhà mới, lễ đầy tháng hay các ngày hội vui của bản làng. Từ lúc nào không hay, làn điệu Lượn Cọi đã trở thành niềm đam mê không thể thiếu đối với ông, ông đã tự tìm tòi, học hỏi từ những người cao tuổi về làn điệu Lượn cọi, về cách hát, luyến láy, lấy hơi, hát làm sao cho truyền cảm đúng với làn điệu ngọt ngào, mượt mà, đi vào lòng người của làn điệu này.
Bên cạnh đó, ông Đao còn tự mày mò, sưu tầm được hàng trăm bài hát Lượn Cọi để tập luyện và biểu diễn vào các dịp hội hè, lễ tết. Ông Đao cảm thấy rất tự hào về làn điệu Lượn Cọi của dân tộc mình và sẽ tiếp tục phát huy hơn nữa để cùng bà con ở địa phương gìn giữ giá trị văn hoá của Lượn Cọi cho muôn đời sau.
Còn ông Hoàng Văn Hồng ở thôn Nà Muồng, xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm cho biết, trước kia, tại địa phương, Lượn Cọi được duy trì và phổ biến hơn rất nhiều so với hiện nay, hầu như những nguời trung tuổi, cao tuổi ở trong làng đều biết hát Lượn Cọi, kể cả lớp trẻ. Tuy nhiên, đến nay, cả thôn chỉ còn có khoảng 20 nguời biết hát Lượn Cọi, phần lớn là những người trung tuổi, cao tuổi. Để duy trì làn điệu Lượn Cọi và các làn điệu dân ca khác của dân tộc Tày ở địa phương, ông Hồng đã đứng ra vận động bà con thành lập Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau. Câu lạc bộ được thành lập từ năm 2017, hiện nay có 52 thành viên, trong đó thành viên cao tuổi nhất trên 70 tuổi. Ông Hồng tâm sự: "Lượn Cọi được truyền lại từ đời xưa, nhưng lớp trẻ bây giờ ra ngoài học nhiều, tiếp cận với nhiều loại nhạc mới, công nghệ thông tin nên không để ý mấy đến dân ca dân tộc mình, ít nhiều đã bị mai một từ khoảng những năm 1990 trở lại đây. Từ khi thành lập Câu lạc bộ, ông là nguời cao tuổi cũng muốn cho con cháu học lại, ôn lại các làn điệu dân ca Tày, trong đó có Lượn Cọi để biểu diễn vào các dịp như ăn hỏi, cưới xin, vào nhà mới, lễ hội".
Trước đây, trong lễ hội Lồng Tổng, lễ hội mùa xuân, khắp các bản làng người Tày ở tỉnh Bắc Kạn nói chung và huyện Pác Nặm nói riêng, nơi nào cũng náo nức tổ chức thi hát các làn điệu dân ca Then Lượn, trong đó có làn điệu Lượn Cọi, người hát, người thổi sáo, họ bổ trợ cho nhau về âm nhạc, hơi thở của giọng hát nghe rất ấm áp và mượt mà.
Nội dung của các bài Lượn Cọi là ca ngợi về quê hương, đất nước, ca ngợi bản làng, mùa màng tuơi tốt bội thu, về tình cảm con nguời, tình yêu đối lứa… Lượn Cọi có những câu mang tính mở đầu, chào hỏi, có ca ngợi cảnh vật thiên nhiên, bản làng thanh bình, đổi mới. Đồng thời xin phép già bản, trưởng bản, chủ nhà đã tiếp đón, tạo điều kiện để khách được hát Lượn cọi tại gia đình hoặc bản làng, sông suối.
Bà Hoàng Thị Bài ở xã Nhạn Môn, huyện Pác Nặm cũng là một trong những người có tiếng về hát Lượn Cọi ở địa phương. Mặc dù hằng ngày bận rộn với nhiều việc đồng áng, nương rẫy, thế nhưng dù ở đâu, làm gì, cứ có việc vui hay cả việc buồn là bà lại hát Lượn Cọi, đặc biệt là vào các dịp hội hè hay đám cuới bà đều hăng hái tham gia. Bà Bài chia sẻ, hát Lượn Cọi của dân tộc Tày có từ đời xưa truyền lại, đến bây giờ bà con vẫn gìn giữ được bản sắc văn hoá của dân tộc mình, bà và những người lớn tuổi vẫn sẽ tiếp tục truyền dạy làn điệu dân ca quý báu này cho con cháu, cho thế hệ trẻ để duy trì bản sắc văn hoá dân tộc không bị mai một đi. Bà rất tự hào và phấn khởi khi Lượn Cọi là Di sản văn hoá phi vật thể cấp Quốc gia, đây là động lực để bà tiếp tục đóng góp, cống hiến, gìn giữ làn điệu Lượn Cọi của quê hương.
Lượn Cọi là một thành tố quan trọng trong tổng thể âm nhạc dân gian người Tày ở Pác Nặm. Ngôn ngữ của Lượn Cọi mang tính biểu cảm, giữ một vị trí quan trọng và rất phổ biến trong đời sống tinh thần cũng như trong lao động, sinh hoạt hằng ngày của đồng bào Tày. Đối với nam nữ thanh niên, lấy Lượn Cọi để giãi bày tâm sự, thể hiện tình cảm, tình yêu đôi lứa, bày tỏ ước mơ tìm đến hạnh phúc, kết duyên vợ chồng. Trong quan hệ gia đình con cái, người Tày hát Lượn Cọi còn bao hàm tình cảm trìu mến, tình yêu thương, dạy bảo để con cái lớn lên thành người có ích, sống có trách nhiệm với gia đình, với cộng đồng. Tại các đám cưới, Lượn Cọi là để chúc mừng hạnh phúc cho cặp uyên ương, chúc gia chủ, họ hàng đôi bên mạnh khỏe, chúc mừng nhà trai đón được cô dâu mới.
Trong thời gian qua, huyện Pác Nặm đã có nhiều việc làm để gìn giữ và phát huy giá trị văn hoá của làn điệu Lượn Cọi như: Hỗ trợ thành lập các câu lạc bộ dân ca dân tộc, khuyến khích, động viên các nghệ nhân, người cao tuổi phát huy làn điệu này qua các hội diễn, sự kiện của địa phương, gắn phát huy giá trị văn hoá truyền thống với phát triển du lịch và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ông Nguyễn Đình Điệp - Phó bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn cho biết: "Huyện Pác Nặm là một huyện vùng cao chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số, phần lớn là người Tày sinh sống, trong thời gian qua, làn điệu Lượn Cọi được bà con nhân dân gìn giữ và phát triển, thường xuyên duy trì trong các lễ hội, đầu xuân năm mới, vào nhà mới. Đặc biệt, huyện Pác Nặm rất vinh dự được Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch công nhận Lượn Cọi là Di sản văn hoá phi vật thể. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục tuyên truyền cho bà con xây dựng các đội, các câu lạc bộ để phát triển, gìn giữ, đặc biệt định hướng bảo tồn Di sản gắn với phát triển du lịch và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.".
Với nỗ lực cao của các cấp, ngành và cả cộng đồng, Lượn Cọi của đồng bào dân tộc Tày ở Pác Nặm và nhiều địa phương khác của tỉnh Bắc Kạn đã và đang được bảo tồn, phát huy những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống hiện đại. Lượn cọi được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể cấp Quốc gia là niềm tự hào, là trách nhiệm đối với người dân và chính quyền địa phương.
Để góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Lượn Cọi đúng với ý nghĩa, bản sắc tốt đẹp, đặc sắc vốn có, Sở Văn hoá thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Kạn đã có những việc làm cụ thể và sẽ tiếp tục quan tâm hơn trong thời gian tới. Ông Hoàng Minh Thư - Trưởng phòng Nghiệp vụ, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Với cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh, Sở Văn hoá sẽ phối hợp mở những câu lạc bộ hát Lượn cọi để làm sao Lượn cọi của huyện Pác Nặm nói riêng và tỉnh Bắc Kạn nói chung góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là gắn với phát triển vùng. Tôi cũng hy vọng sẽ được đón tiếp các bạn gần xa đến tỉnh Bắc Kạn để nghe hát Lượn Cọi”.
Với việc Lượn cọi được đưa vào “Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” theo Quyết định số 446/QĐ-BVHTTDL ngày 29/1/2019 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thêm một lần nữa khẳng định Lượn Cọi là một bộ phận quan trọng trong kho tàng nghệ thuật dân gian, là nét đẹp văn hóa tiêu biểu của đồng bào dân tộc Tày huyện Pác Nặm nói chung và các địa phương khác của tỉnh Bắc Kạn nói riêng. Ông Nông Quốc Thành - Phó Cục trưởng Cục Di Văn Hoá, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết: “Với các di sản văn hoá phi vật thể mà hiện nay của huyện Pác Nặm nói riêng và của tỉnh Bắc Kạn đang nắm giữ, việc thường xuyên được trình diễn, được thực hành sẽ khính lệ rất lớn tinh thần của những người nắm giữ di sản, góp phần gìn giữ làn điệu Lượn Cọi quý báu của dân tộc địa phương”.
Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, dù có nhiều dòng nhạc mới du nhập vào cuộc sống nhưng Luợn Cọi ở huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn vẫn được cộng đồng dân tộc Tày ở đây lưu giữ một cách tự nhiên trong đời sống của họ, góp phần gìn giữ Di sản văn hoá phi vật thể Lượn Cọi - làn điệu dân ca ấm áp, mượt mà của quê hương./.
Khai mạc Giải vô địch Bóng chuyền tỉnh Bắc Kạn năm 2024 (12/12/2024)
Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa gắn kết với phát triển du lịch (10/12/2024)
Thành phố Bắc Kạn giành giải Nhất Liên hoan dân vũ và nhảy Flashmob tỉnh Bắc Kạn năm 2024 (09/12/2024)
Giải chạy hồ Ba Bể - Bắc Kạn mở rộng năm 2024 thành công tốt đẹp (09/12/2024)
Xử lý vi phạm về nồng độ cồn: Không có vùng cấm, không có ngoại lệ (07/12/2024)