PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

01/08/2024
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Na Rì đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung
Na Rì có thế mạnh về nông, lâm nghiệp với nhiều mặt hàng đã có thương hiệu trên thị trường. Vì vậy, huyện đã và đang huy động các nguồn lực sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

 PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Hướng tới phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung, huyện Na Rì đã lồng ghép nguồn vốn của các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các dự án khoa học và các nguồn vốn khác để triển khai phát triển các cây trồng chủ lực như hồng không hạt, dong riềng, cam, quýt, dược liệu. Cùng với đó là vận động Nhân dân phát triển chăn nuôi trâu, bò, ngựa theo quy mô trang trại, gia trại, khuyến khích liên kết thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác để tập trung sản xuất hàng hóa gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Dong riềng là một trong những cây trồng chủ lực của Na Rì được đánh giá có năng suất cao, thích hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, là cây trồng sản xuất hàng hóa mang lại hiệu quả cho người dân. Tuy nhiên, có những thời điểm, diện tích trồng dong riềng của Na Rì giảm dần, nguyên nhân do sự liên kết giữa người trồng dong riềng và các cơ sở chế biến sản phẩm dong riềng chưa chặt chẽ, ổn định, chưa hài hòa về lợi ích. Giảm diện tích cũng như sản lượng dong riềng dễ dẫn đến nguy cơ mất thương hiệu miến dong của địa phương.

Trước thực tế đó, huyện đã chủ động xây dựng vùng sản xuất cây dong riềng ổn định, cho năng suất cao và hướng tới sản xuất bền vững, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động. Xây dựng và hình thành liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà (Nhà nước - Nhà doanh nghiệp - Nhà khoa học - Nhà nông). Duy trì sự bền vững giữa các cơ sở sản xuất với người dân, gắn kết từ yếu tố đầu vào với sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Huyện phấn đấu đến năm 2025, diện tích trồng dong riềng hằng năm ổn định từ 300ha trở lên, tập trung tại các xã phía Nam, toàn bộ củ dong riềng tươi được chế biến thành tinh bột để sản xuất miến.

Cùng với cây dong riềng, huyện cũng quan tâm phát triển các cây trồng, vật nuôi khác vốn là những ngành hàng thế mạnh. Phiêng Cuôn là một trong những thôn vùng cao của xã Sơn Thành, đời sống Nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Từ năm 2020 đến nay, xã đã tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất hàng hóa. Nhờ đó, người dân trong thôn đã chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ trồng lúa, ngô sang trồng cây hồng không hạt LT-01, dưa hấu, bí xanh và chăn nuôi ngựa bạch. Hiện nay, trong thôn có 19 hộ trồng cây hồng không hạt LT-1 với diện tích 4,6ha. Đây là cây trồng có nguồn gốc tại địa phương và đã được Sở Khoa học và Công nghệ chứng nhận nguồn gốc và là cây trồng đem lại thu nhập kinh tế cao cho người dân thôn Phiêng Cuôn. Thôn còn đặc biệt chú trọng phát triển chăn nuôi ngựa bạch, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư, bước đầu đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể. Hiện nay, thôn có 27 hộ nuôi ngựa bạch với tổng đàn hiện có trên 100 con.

Đoàn công tác của tỉnh tới thăm mô hình chăn nuôi ngựa của Hợp tác xã Cộng Lực Sơn Thành

Cùng với thôn Phiêng Cuôn, trên địa bàn xã Sơn Thành có Hợp tác xã Cộng Lực Sơn Thành gồm 16 thành viên tham gia. Hợp tác xã đã tạo điều kiện thuận lợi về việc làm và cung cấp giống cây trồng, vật nuôi, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, tạo sự liên kết trong sản xuất, giúp tăng năng suất, sản lượng, nâng cao thu nhập cho các thành viên.

Xác định nông nghiệp là trọng tâm để thúc đẩy nền kinh tế, huyện Na Rì tiếp tục phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, đáp ứng nhu cầu thị trường. Hoàn thành quy hoạch các cây trồng như dong riềng, cam, hồng không hạt; quy hoạch phát triển chăn nuôi. Công tác quy hoạch được huyện xác định cần thực hiện gắn liền với việc xây dựng các chương trình, đề án về đầu tư nghiên cứu, cơ sở sản xuất ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất.

Bên cạnh đó, huyện tiếp tục xây dựng vùng nguyên liệu tập trung phục vụ chế biến gỗ, tre, nứa; quy hoạch vùng trồng nguyên liệu ổn định cho các cơ sở chế biến tập trung tại các xã Đổng Xá, Quang Phong, Liêm Thủy, Xuân Dương, Dương Sơn, Trần Phú, Văn Minh, Sơn Thành, Kim Lư, Văn Vũ; hình thành vùng chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ tại xã Trần Phú và Kim Lư.

Để phát triển vùng sản xuất cây ăn quả đặc sản, huyện tiếp tục tiến hành rà soát, đánh giá tiềm năng và nhu cầu của các hộ gia đình trong phát triển cây ăn quả đặc sản, phân vùng trồng các loại cây ăn quả để có điều kiện thâm canh tăng năng suất, quy mô đủ lớn cho công tác chế biến, tiêu thụ sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Phân vùng phát triển cây cam tại các xã Cư Lễ, Văn Minh, Sơn Thành, Văn Vũ, Kim Lư, Cường Lợi, thị trấn Yến Lạc; phát triển vùng trồng hồng không hạt tại các xã Văn Lang, Sơn Thành, Văn Vũ, Cường Lợi, Kim Lư, Cư Lễ, Trần Phú, Văn Minh và thị trấn Yến Lạc.

Chăn nuôi cũng là một thế mạnh, vì vậy, huyện tiếp tục khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung, an toàn dịch bệnh theo mô hình chăn nuôi trang trại nhỏ và vừa. Đối với chăn nuôi đàn đại gia súc (trâu, bò, ngựa) sẽ thực hiện tại các xã Đổng Xá, Quang Phong, Xuân Dương, Dương Sơn, Trần Phú, Sơn Thành, Văn Lang, Kim Hỷ,…; đối với chăn nuôi lợn tập trung tại các xã Côn Minh, Trần Phú, Dương Sơn, Cư Lễ, Sơn Thành, Văn Lang, Văn Vũ, Cường Lợi../.

Ngọc Tú