Độ tương phản
Cách trung tâm huyện Chợ Đồn 21 km, xã vùng cao Bằng Phúc được biết đến với những đặc sản nổi tiếng như rượu men lá, chè Shan tuyết và nhiều món ăn ẩm thực truyền thống. Trong đó, đặc sản rượu men lá là sản phẩm được biết đến nhiều nhất.
Tại xã Bằng Phúc, hiện có 300 hộ trực tiếp nấu rượu theo phương pháp truyền thống, trong đó tập trung nhiều nhất ở các thôn Nà Bay, Nà Pài, Bản Khiếu, Nà Hồng, Bản Chang, Nà Quân. Trung bình mỗi ngày, toàn xã sản xuất được hơn 6.000 lít rượu; 100% các hộ nấu rượu tận dụng bã rượu để chăn nuôi lợn. Doanh thu từ hoạt động nấu rượu và chăn nuôi lợn của các hộ ước đạt trên 65 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân của người trực tiếp sản xuất rượu từ 4 - 5 triệu đồng/tháng tuỳ thuộc vào quy mô sản xuất.
Phát triển nghề nấu rượu truyền thống, trên địa bàn xã Bằng Phúc hiện có 2 hợp tác xã (HTX) sản xuất và kinh doanh rượu là HTX Rượu men lá Thanh Tâm và HTX Rượu men lá Bằng Phúc. Sản phẩm rượu men lá của cả 2 HTX đều đã được UBND tỉnh chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Năm 2022, sản phẩm của HTX Rượu men lá Thanh Tâm đã được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có thêm 3 sản phẩm rượu vừa được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao năm 2022 là “Rượu men lá Tô Hoài” của Cơ sở rượu men lá Tô Hoài; “Rượu men lá Sơn Phúc” và “Rượu men lá Sơn Phúc ngâm gỗ sồi” của hộ kinh doanh Nguyễn Thị Phương Thảo.
Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn Triệu Huy Chung cho biết, toàn huyện Chợ Đồn có 20 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 8 xã đặc biệt khó khăn và Bằng Phúc là 1 trong số đó. Tuy nhiên, Bằng Phúc có điều kiện khí hậu thuận lợi cho phát triển cây chè, nấu rượu không nơi nào có được; đã từng có người mang cả men lá, nước và nhờ người tại xã Bằng Phúc ra thị trấn Bằng Lũng để nấu rượu nhưng chất lượng rượu không ngon như nấu tại Bằng Phúc. Trước đây, địa phương phải tìm kiếm nguồn tiêu thụ rượu thì nay rượu Bằng Phúc không chỉ được các địa phương trong nước biết đến mà đã vươn ra cả thị trường Nhật Bản. Vì vậy, huyện Chợ Đồn đang nỗ lực xây dựng làng nghề Rượu Bằng Phúc để nghề nấu rượu của bà con địa phương phát triển hơn nữa. Cùng với đó, tích cực vận động người dân Bằng Phúc bằng bất kỳ giá nào cũng không được làm mất thương hiệu, bởi thực tế cho thấy rất nhiều làng nghề sau khi phát triển tốt thì làm mất thương hiệu và không bao giờ lấy lại được nữa.
Để phát triển thế mạnh của địa phương, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, tháng 9/2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch xây dựng làng nghề Rượu Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn và làng nghề sản xuất Miến dong Côn Minh, huyện Na Rì năm 2022 - 2023. Trong đó yêu cầu xây dựng xây dựng làng nghề Rượu Bằng Phúc tiến tới gắn với phát triển du lịch cộng đồng và tạo thành chuỗi phát triển du lịch của tỉnh. Bởi Bằng Phúc ngoài nghề truyền thống sản xuấn rượu, xã còn được thiên nhiên ưu ái với khí hậu mát mẻ, nguồn nước mát lành, có hệ thống ruộng bậc thang đẹp, các nếp nhà lưu giữ nét cổ kính và có nhiều cây chè Shan tuyết cổ thụ cao hàng chục mét,... rất thích hợp để phát triển du lịch sinh thái, thu hút những vị khách ưa thích khám phá cuộc sống và con người miền núi.
Theo khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, Bằng Phúc đã đáp ứng được 2/3 tiêu chí làng nghề, cụ thể: Toàn xã có 47,92% hộ dân tham gia sản xuất rượu (quy định có tối thiểu 20%); hoạt động nấu rượu tại địa phương có từ lâu đời và được duy trì liên tục cho đến nay (quy định ít nhất 2 năm hoạt động liên tục). Đối với các tiêu chí còn lại, xã đang tích cực áp dụng các giải pháp an toàn, vệ sinh trong sản xuất, chăn nuôi..., qua đó đáp ứng các điều kiện bảo vệ môi trường làng nghề theo quy định.
Theo Chủ tịch UBND xã Bằng Phúc Hoàng Văn Thái, thực hiện chủ trương của tỉnh về xây dựng làng nghề Rượu Bằng Phúc, xã tập trung tổ chức tuyên truyền, vận động các cơ sở sản xuất, hộ gia đình cam kết thực hiện các nội dung quy định về làng nghề; huy động các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tham gia xây dựng làng nghề, trong đó nâng cao chất lượng, giữ gìn thương hiệu sản phẩm Rượu Bằng Phúc, tích cực bảo vệ môi trường. Xã cũng đã xây dựng kế hoạch, lộ trình tổ chức thực hiện các nội dung để sớm được công nhận làng nghề. Riêng năm 2022, xã tập trung xây dựng làng nghề tại 2 thôn Nà Pài và thôn Nà Bay, trong đó thôn Nà Pài đã được công nhận thôn nông thôn mới, đảm bảo về tiêu chí môi trường./.
Phát huy vai trò chủ thể của Nhân dân trong xây dựng nông thôn mới (21/10/2024)
Hương ước, quy ước giúp bản làng văn minh, tươi đẹp (23/09/2024)
Mỹ Thanh: Gian nan hành trình về đích nông thôn mới (20/09/2024)
Chính sách tín dụng xã hội góp phần xây dựng nông thôn mới (09/09/2024)
Nông dân Bạch Thông thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, tích cực xây dựng nông thôn mới (20/08/2024)