Độ tương phản
Công nghiệp và xây dựng là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế
Trong quý I, khu vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của Bắc Kạn. Việc đẩy mạnh các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cùng với sự phát triển của các ngành công nghiệp chế biến đã giúp khu vực này đạt mức tăng trưởng cao, đóng góp quan trọng vào GRDP của tỉnh.
Dự án Nhà máy sản xuất, gia công giày, dép, đế giày xuất khẩu Bắc Kạn tại Cụm Công nghiệp Huyền Tụng, thành phố Bắc Kạn đã hoàn thiện trên 90% khối lượng xây dựng
3 tháng đầu năm 2025, ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định và theo chiều hướng tăng cao so cùng kỳ năm trước do hiện nay, một số các doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư mới dây truyền công nghệ sản xuất chế biến sâu, sản phẩm chủ lực được xuất khẩu ra ngoài thị trường như gỗ, quặng nâng cao được giá trị sản phẩm cũng như giá trị sản xuất góp phần nâng cao giá trị, tỷ lệ trong tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 28,12% so cùng kỳ. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp quý I tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, ngành khai khoáng tăng 17,8%; ngành chế biến, chế tạo tăng 31,83%; ngành sản xuất phân phối điện và khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 6,61% và nhóm ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 15,09% so cùng kỳ.
Trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, để thực hiện kế hoạch đầu tư vốn đã đề ra, đối với nguồn vốn thuộc ngân sách nhà nước ngay từ khi có quyết định đầu tư năm 2025, UBND tỉnh đã chỉ đạo các chủ đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các công trình, dự án chuyển tiếp và công tác chuẩn bị đầu tư của các dự án khởi công mới, đặc biệt tranh thủ thời tiết khô ráo tập chung vào các công trình trọng điểm có giá trị lớn. Nhờ vậy, đến ngày 30/3/2025, tổng kế hoạch đầu tư công năm 2025 tỉnh giải ngân là 708.874 triệu đồng, đạt 20,7% kế hoạch. Với kết quả này, Bắc Kạn là tỉnh có tỷ lệ giải ngân đứng thứ 2/63 cả nước (tỷ lệ giải ngân cả nước là 9%) và 2/14 trong vùng trung du miền núi phía Bắc.
Ngành dịch vụ ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ
Ngành dịch vụ cũng ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch và thương mại. Trong quý I, do trùng vào dịp Tết nên các ngành chức năng luôn theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường, đồng thời, các đơn vị sản xuất, kinh doanh đều cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong dịp Tết, cùng với đó là thực hiện nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá, tích điểm, tặng quà trên nhiều mặt hàng để kích cầu tiêu dùng nhằm phục vụ Nhân dân đón Tết Nguyên đán.
Nhiều chương trình văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025 diễn ra sôi động tại các huyện, thành phố. Các Lễ hội được tổ chức vào những ngày đầu xuân giúp kinh doanh của ngành thương mại dịch vụ trong quý I/2025 càng thêm khởi sắc, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho Nhân dân, qua đó giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ.
Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa 3 tháng đầu năm 2025 đạt trên 2.170 tỷ đồng, tăng 23%, trong đó, những nhóm hàng có mức tăng mạnh như đá quý kim loại và sản phẩm tăng 195,48% so với cùng kỳ năm trước; nhóm vật phẩm văn hoá giáo dục tăng 86,74% so cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 65,78%; dịch vụ tiêu dùng khác tăng 17,89%... so cùng kỳ năm trước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 3 tháng đầu năm năm 2025 tăng 29,69% so với cùng kỳ năm trước
Nông nghiệp với những tín hiệu tích cực
Trong quý I/2025, khu vực nông nghiệp tiếp tục ghi nhận những tín hiệu tích cực. Tổng diện tích trồng cây vụ Đông đã thực hiện đạt 100% kế hoạch, tăng 4% so với cùng kỳ; tổng sản lượng đạt 106% kế hoạch. Các loại cây trồng vụ Xuân đang được người dân gieo trồng, đảm bảo đúng tiếp độ, kế hoạch đề ra.
Một số cây dược liệu như cây ba kích, sâm cau, gừng và các loại cây ăn quả như na, mận, được mở rộng diện tích trồng. Trong lĩnh vực chăn nuôi, các giống lợn bản địa được nhân rộng, kết hợp với công nghệ cải tiến trong chăn nuôi, giúp giảm thiểu dịch bệnh và tăng trưởng bền vững…
Hiện các địa phương tiến hành rà soát diện tích đất lâm nghiệp đủ điều kiện đưa vào thiết kế trồng rừng cũng như chuẩn bị cây giống đủ số lượng, chủng loại, đảm bảo chất lượng quy định đáp ứng tiêu chí trồng rừng năm 2025. Đến hết quý I, diện tích rừng trồng mới trên địa bàn toàn tỉnh đạt 565 ha, tăng 4,05% so với cùng kỳ. Trong đó, diện tích rừng trồng mới tập trung được 545 ha, tăng 3,81% so cùng kỳ năm trước; diện tích rừng trồng được chăm sóc đạt 3.400 ha, tăng 6,25% so với cùng kỳ; diện tích rừng trồng được giao khoán, bảo vệ đạt 90.000 ha, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2024.
Công tác an sinh xã hội, xóa nhà tạm, nhà dột nát được quan tâm chỉ đạo
Cùng với phát triển kinh tế, công tác an sinh xã hội ở Bắc Kạn cũng được triển khai đồng bộ và hiệu quả qua các chương trình hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng nghèo, cận nghèo, người có công, và các gia đình chính sách. Tỉnh đã chú trọng đến các nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội như: Người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em mồ côi, và các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Đặc biệt, một trong những vấn đề cấp bách mà tỉnh đã và đang quyết liệt triển khai trong công tác an sinh xã hội là việc xóa nhà tạm, nhà dột nát. Tính đến thời điểm hiện tại, số hộ có nhu cầu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh là 4.705 hộ với kinh phí trên 260 tỷ đồng. Bắc Kạn đã tập trung chỉ đạo, ưu tiên bố trí các nguồn lực để hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát, dự kiến trong năm 2025 hỗ trợ trên 117 tỷ đồng cho khoảng 2.046 hộ, còn thiếu gần 143 tỷ đồng của 2.659 hộ chưa cân đối, huy động được nguồn lực. Để thúc đẩy tiến độ, hiện Bắc Kạn tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và các tổ chức xã hội vận động đóng góp từ cộng đồng để hỗ trợ cho các gia đình nghèo. Chính quyền địa phương tích cực triển khai thực hiện đúng quy trình và bảo đảm nguồn vốn để thực hiện chương trình này một cách hiệu quả.
Lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh và thành phố kiểm tra hiện trạng nhà ở của một hộ dân thôn Nà Cưởm, xã Dương Quang, thành phố Bắc Kạn
Trong quý I/2025, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Kạn đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, Bắc Kạn cũng đối mặt với một số thách thức như biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, sự thiếu hụt nguồn lực tài chính cho các dự án lớn và cơ sở hạ ở một số khu vực vùng sâu, vùng xa…
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của của địa phương, tỉnh Bắc Kạn xác định tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ triển khai tuyến đường cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn tạo điều kiện khai thác tiềm năng, lợi thế, phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và của vùng. Đồng thời, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; tập trung chỉ đạo, ưu tiên bố trí các nguồn lực để sớm hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.../.
Hoạt động ủy thác vay vốn qua các tổ chức chính trị - xã hội trong quý I/2025 tiếp tục phát huy hiệu quả (10/04/2025)
Quyết liệt hơn để đạt mục tiêu giải ngân các dự án đầu tư công trọng điểm (09/04/2025)
Kiên trì và đồng bộ trong triển khai chính sách hỗ trợ hợp tác xã (08/04/2025)
Ngành nghề truyền thống: Không phải “quá khứ”, mà là “tương lai” (07/04/2025)
Phấn đấu tăng thêm ít nhất 20 sản phẩm OCOP mới trong năm 2025 (04/04/2025)