PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

07/04/2025
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Ngành nghề truyền thống: Không phải “quá khứ”, mà là “tương lai”
Bắc Kạn đang có những chuyển biến tích cực trong phát triển ngành nghề nông thôn. Với định hướng rõ ràng, chính sách hỗ trợ kịp thời và sự vào cuộc đồng bộ từ các cấp, các ngành, ngành nghề nông thôn ngày càng được quan tâm và dần trở thành điểm tựa quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData


Công đoạn phơi nắng miến dong tráng bằng tay tại Làng nghề miến dong Côn Minh, huyện Na Rì

Bước chuyển mình của ngành nghề nông thôn

Bắc Kạn đã có được một làng nghề được công nhận chính thức là Làng nghề miến dong Côn Minh, huyện Na Rì. Với 49 hộ làm nghề, hơn 70 lao động thường xuyên, nơi đây không chỉ giữ gìn hương vị truyền thống mà còn mở ra hướng đi bền vững cho kinh tế hộ. Miến dong Côn Minh đã trở thành “đặc sản” được nhiều người tìm mua mỗi dịp Tết đến xuân về, là minh chứng rõ nét cho việc nếu làm bài bản, nghề truyền thống hoàn toàn có thể “sống khỏe” trong thời hiện đại.

Năm 2018, toàn tỉnh có khoảng 4.254 cơ sở sản xuất ngành nghề nông thôn, đến năm 2024 đã tăng vọt lên 14.475 cơ sở. Nghĩa là chỉ trong 6 năm, số lượng cơ sở đã tăng hơn 3 lần. Trong đó, các hộ gia đình vẫn là lực lượng chính với hơn 13.400 hộ tham gia. Đặc biệt, nhóm ngành chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản đang chiếm ưu thế rõ rệt, nhờ vào nguồn nguyên liệu phong phú và nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng. Thu nhập bình quân từ các ngành nghề nông thôn cũng ghi nhận sự cải thiện rõ rệt, từ mức 2,8 triệu đồng/người/tháng vào năm 2018 tăng lên 4 triệu đồng/người/tháng vào năm 2024… Đây không chỉ là tín hiệu vui cho người dân mà còn là minh chứng rõ ràng cho thấy tiềm năng của ngành nghề nông thôn đang dần được “đánh thức”.

Dù đã bước đầu có sự chuyển mình, song không thể phủ nhận rằng ngành nghề nông thôn ở Bắc Kạn vẫn còn nhiều khó khăn. Lao động trẻ ít mặn mà với nghề do thu nhập chưa thật hấp dẫn. Nhiều cơ sở sản xuất còn manh mún, thiếu vốn, công nghệ lạc hậu. Việc quảng bá, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm còn yếu, thị trường tiêu thụ phần lớn chỉ quanh quẩn trong tỉnh. Toàn tỉnh chỉ có một làng nghề được công nhận, điều này cho thấy dư địa phát triển còn rất lớn nhưng cũng là lời cảnh tỉnh rằng nếu không hành động mạnh mẽ, ngành nghề truyền thống sẽ dần mai một theo thời gian.

Gắn phát triển làng nghề với du lịch và chuyển đổi số

Để ngành nghề nông thôn không chỉ “sống sót” mà còn “bứt tốc”, Bắc Kạn đã xây dựng chiến lược phát triển đến năm 2045. Một trong những hướng đi đáng chú ý là gắn phát triển làng nghề với du lịch và chuyển đổi số.

Hiện tại, việc hỗ trợ xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, nhãn hiệu tập thể, quảng bá trực tuyến... đang được tỉnh Bắc Kạn đẩy mạnh nhằm gia tăng giá trị sản phẩm làng nghề, mở rộng đầu ra và thu hút khách hàng qua các nền tảng số. Tỉnh cũng đẩy mạnh hỗ trợ các cơ sở làm nghề xây dựng nhãn hiệu, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, quảng bá trên nền tảng số... để “bắt kịp trend”, mở rộng thị trường. Song song với đó là chính sách khuyến khích đầu tư đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và xây dựng làng nghề xanh - sạch - đẹp, thân thiện với thiên nhiên.

Một trong những ưu tiên hàng đầu cũng đang được Bắc Kạn đặc biệt chú trọng là đào tạo nguồn nhân lực. Không chỉ đào tạo kỹ năng làm nghề, tỉnh còn chú trọng bồi dưỡng kỹ năng quản lý, kiến thức công nghệ thông tin, vệ sinh an toàn thực phẩm... Từ đó, người dân có thể tự tin vận hành sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững.

Ngoài ra, tỉnh cũng khuyến khích người trẻ khởi nghiệp từ chính ngành nghề truyền thống - vừa giữ gìn nét văn hóa, vừa tạo ra sản phẩm “có hồn”, “có chất”, phục vụ thị trường trong và ngoài nước.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 3 nghề và 32 điểm có tiềm năng phát triển thành nghề truyền thống và làng nghề. Bắc Kạn cũng đã có 245 sản phẩm OCOP được chứng nhận đạt 3 sao trở lên, trong đó có 4 sản phẩm 5 sao, 21 sản phẩm 4 sao và 220 sản phẩm 3 sao. Nhiều sản phẩm đã vươn ra thị trường quốc tế như miến dong, mơ, gừng được xuất khẩu sang châu Âu và Nhật Bản… Đây là cơ sở để tỉnh tiếp tục xây dựng và phát triển các làng nghề mới, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn.

Phát triển ngành nghề nông thôn không chỉ là cách để tăng thu nhập, mà còn là câu chuyện giữ gìn bản sắc, văn hóa, lối sống đặc trưng của mỗi vùng quê. Bắc Kạn đang trên hành trình xây dựng những làng nghề vừa mang đậm hồn dân tộc, vừa hòa nhập xu hướng hiện đại./.

Thu Cúc