Độ tương phản
Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Thành, thành phố Bắc Kạn được hỗ trợ tham gia Hội chợ Công Thương và sản phẩm Ocop - Đắc Lắk năm 2024
Một trong những chính sách đã được Bắc Kạn triển khai có hiệu quả là hỗ trợ nâng cao năng lực, nhận thức cho khu vực kinh tế tập thể. Theo đó, đã có hơn 300 hợp tác xã được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý và thành viên của hợp tác xã; 88 hợp tác xã được đưa vào danh sách hỗ trợ trọng điểm nguồn nhân lực giai đoạn 2022 - 2025; 26 doanh nghiệp, hợp tác xã nằm trong danh mục hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ, tư vấn của dự án liên kết theo Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.
Nhằm thúc đẩy sản xuất theo chuỗi giá trị, tỉnh Bắc Kạn đã hỗ trợ 72 hợp tác xã tham gia làm chủ trì liên kết cho 102 dự án phát triển sản xuất liên kết; 34 hợp tác xã được làm chủ trì các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Những dự án này đã giúp hợp tác xã tiếp cận được thị trường tiêu thụ ổn định, nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người dân, đồng thời nhiều sản phẩm như miến dong, gạo nếp, nghệ, bí xanh… đã có mặt tại các siêu thị lớn, cửa hàng đặc sản, thậm chí “xuất ngoại”.
Nguồn vốn là một trong những yếu tố then chốt để hợp tác xã phát triển và hợp tác xã chỉ mạnh khi đã “đủ vốn”. Nắm bắt được điều này, Bắc Kạn đã huy động mọi nguồn lực để “bơm oxy” cho kinh tế tập thể. Thông qua các ngân hàng và Hội Nông dân, hàng chục nghìn hộ dân đã được vay vốn để triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất. Ngoài ra, Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn tỉnh đạt 28,39 tỷ đồng đang triển khai cho vay 97 dự án với 684 hộ vay. Với Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã, 36 hợp tác xã tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi 10,4 tỷ đồng để đầu tư máy móc, mở rộng sản xuất. Không chỉ dừng ở hỗ trợ vay, tỉnh còn đang tạo cơ chế giúp các hợp tác xã dễ tiếp cận nguồn vốn hơn, giảm bớt thủ tục và rào cản về tài sản thế chấp.
Để tạo nền tảng giúp hợp tác xã hoạt động ổn định, Bắc Kạn cũng đã hỗ trợ 12 hợp tác xã đầu tư kho bãi, nhà xưởng, dây chuyền sơ chế. Trong đó, 6 công trình đã hoàn thành và đi vào vận hành hiệu quả, 4 đang chờ bàn giao, còn lại đang triển khai. Khi có chỗ bảo quản nông sản, khi có xưởng chế biến đạt chuẩn, hợp tác xã không còn bị ép giá trong mùa thu hoạch rộ, không còn bị phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Sản phẩm của hợp tác xã sẽ có chỗ đứng vững vàng hơn trên thị trường. Bà Nông Thị Tâm - Giám đốc Hợp tác xã Rượu men lá Thanh Tâm, xã Bằng Phúc, huyện Chợ Ðồn cho biết, nhờ được tỉnh hỗ trợ xây dựng nhà xưởng rộng rãi với tổng trị giá gần 2 tỷ đồng, Hợp tác xã không chỉ có điều kiện giữ nghề truyền thống mà còn nâng cao nhận thức, sản xuất hiệu quả, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao chất lượng. Sản phẩm rượu của Hợp tác xã đã được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Hợp tác xã Yến Dương, huyện Ba Bể được hỗ trợ xây dựng nhà xưởng theo Nghị quyết số 37/NQ-HĐND ngày 18/10/2022 của HĐND tỉnh
Không chỉ dừng lại ở hỗ trợ sản xuất, 3 năm trở lại đây, Bắc Kạn đã hỗ trợ hơn 100 hợp tác xã được tham gia hội chợ từ Bắc vào Nam. Đặc biệt, năm 2024, tỉnh đã tham gia Hội thảo giao thương hợp tác đầu tư, thương mại Việt Nam - Hàn Quốc tại KOTRA (Hàn Quốc), giới thiệu các sản phẩm đặc trưng như miến dong Tài Hoan, trà hoa vàng, nghệ nano, trà giảo cổ lam… qua đó, từng bước mở rộng thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm chủ lực của địa phương. Không chỉ là quảng bá sản phẩm, đây còn là cách giúp nông sản địa phương làm quen với tiêu chuẩn quốc tế, từ nhãn mác, bao bì, đến hệ thống truy xuất nguồn gốc - những điều bắt buộc nếu muốn vươn ra biển lớn.
Trong làn sóng chuyển đổi số, Bắc Kạn cũng không đứng ngoài cuộc. Tỉnh đã hỗ trợ 9 hợp tác xã, tổ hợp tác sử dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc iTrace247; 2 hợp tác xã khác được chọn làm mô hình chuyển đổi số trong nông thôn mới với tổng kinh phí 500 triệu đồng. Từ bán hàng qua mạng xã hội, truy xuất mã QR đến xây dựng thương hiệu số, hợp tác xã nay không chỉ làm nông, mà còn phải biết “marketing”, “bán hàng online”, “xây dựng chỉ số tín nhiệm thương hiệu”... Đó là sự thay đổi lớn về tư duy, nhận thức của hợp tác xã trên địa bàn. Điều đó cũng minh chứng rằng, Bắc Kạn đang đi đúng hướng trong hỗ trợ chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cho kinh tế tập thể.
Hợp tác xã Thiên An, huyện Bạch Thông được hỗ trợ xây dựng mô hình chuyển đổi số trong nông thôn mới
Toàn tỉnh hiện có 672 tổ hợp tác, 459 hợp tác xã, 2 lên hiệp hợp tác xã. Việc triển khai đồng bộ và hiệu quả các chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể của Bắc Kạn đã và đang tạo ra động lực mạnh mẽ để các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã hoạt động hiệu quả, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân và thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương./.
Hoạt động ủy thác vay vốn qua các tổ chức chính trị - xã hội trong quý I/2025 tiếp tục phát huy hiệu quả (10/04/2025)
Quyết liệt hơn để đạt mục tiêu giải ngân các dự án đầu tư công trọng điểm (09/04/2025)
Ngành nghề truyền thống: Không phải “quá khứ”, mà là “tương lai” (07/04/2025)
Bắc Kạn đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong quý I/2025 (04/04/2025)
Phấn đấu tăng thêm ít nhất 20 sản phẩm OCOP mới trong năm 2025 (04/04/2025)