PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

24/02/2016
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Độc đáo nghề dệt thủ công truyền thống của người Tày
Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, đến nay nghề dệt thủ công truyền thống của người Tày tỉnh Bắc Kạn vẫn đang được duy trì và phát triển. Trong các bản làng của người Tày, những sản phẩm dệt thủ công truyền thống vẫn hiện hữu, đặc biệt trong các nghi lễ quan trọng như đám cưới, lễ đầy tháng, đám tang...

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, đến nay nghề dệt thủ công truyền thống của người Tày tỉnh Bắc Kạn vẫn đang được duy trì và phát triển. Trong các bản làng của người Tày, những sản phẩm dệt thủ công truyền thống vẫn hiện hữu, đặc biệt trong các nghi lễ quan trọng như đám cưới, lễ đầy tháng, đám tang...

Người phụ nữ Tày bên khung cửi dệt vải

Thôn Pác Ngòi, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể không chỉ là địa danh nổi tiếng bởi cảnh đẹp nên thơ mà còn gắn liền với nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Bà Lý Thị Đắc, thôn Pác Ngòi chia sẻ: Ngày xưa, dệt vải được xem là tiêu chuẩn để đánh giá phẩm hạnh, sự khéo léo, cần mẫn của người phụ nữ. Cho nên phần lớn phụ nữ rất khéo tay trong việc kéo sợi, dệt vải. Trước đây, nhiều gia đình có tới 2 - 3 khung dệt vải làm quần áo, màn, mặt chăn, mặt địu con trẻ...

Nguyên liệu để dệt ngày nay là những sợi bông được mua sẵn về luộc qua nước sôi
sau đó đem phơi khô

Bà Đắc cho biết thêm, để tạo ra được một sản phẩm dệt chất lượng, quan trọng nhất chính là khâu chọn sợi bông.

Sợi bông được kéo thành những cuộn nhỏ

Để tạo được 1 sản phẩm dệt thủ công hoàn chỉnh phải qua nhiều công đoạn, từ cán bông, bật bông, quấn bông, kéo sợi, hồ sợi, dàn sợi… Trước khi dệt vải phải kéo dàn sợi, công đoạn này cần nhiều người cùng tham gia. Số lượng sợi dàn nhiều hay ít tuỳ thuộc vào khổ vải rộng hay hẹp (thườngdài khoảng 15 - 20 sải tay).Việc dàn sợi thường được thực hiện dưới gầm sàn, người Tày sử dụng các cột nhà làm nơi dàn sợi, nếu cột nào bị lõm phải ốp tre, quấn vải cho thật bằng phẳng. Ngư­ời ta lắp các ống chỉ vào khung dàn sợi, đầu chỉ từ các ống sợi buộc cố định ở một cột, ước tính độ dài của tấm vải mà chọn 3 - 5 cột nhà; cầm đầu sợi cuốn vòng quanh các cột đến khi đủ các sợi dọc cho một khổ vải định dệt mới dựng một thanh tre buộc ép chặt các sợi vào trục. Hai đầu sợi so le nhau buộc riêng thành 2 túm để sợi không bị lẫn và rối khi luồn vào lược nén sợi, luồn go và cuộn vào trục.

Từ những dụng cụ thô sơ, tự tạo, thông qua các thao tác thủ công cùng bàn tay khéo léo, sự chăm chỉ của người phụ nữ đã tạo ra những sản phẩm dệt màu sắc đẹp mắt, hoa văn phong phú, đa dạng, độc đáo, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, phản ánh phần nào lịch sử phát triển của tộc người Tày. Trước đây, nguyên liệu tạo nên màu sắc trên sản phẩm dệt được lấy từ thiên nhiên. Ngày nay do nguồn nguyên liệu hạn chế, tốn nhiều thời gian, công sức ... nên người ta đã sử dụng các sợi vải công nghiệp bán sẵn trên thị trường.

Người Tày có 2 kiểu dệt, dệt trơn và dệt có hoa văn (dệt thổ cẩm). Hoa văn trên mỗi tấm vải dệt của người Tày bắt nguồn từ cuộc sống lao động, gắn bó trong cuộc sống hàng ngày như: Hoa văn hình lá mía dùng làm rèm cửa, tã trẻ em; hoa văn hồ tiêu dùng khi làm khăn quàng; các loại hoa văn dùng khi làm mặt địu, mặt chăn...

Một chiếc vỏ chăn được dệt hoàn thiện

Theo bà Triệu Thị Dung, dân tộc Tày, thôn Pác Ngòi: Sản phẩm dệt của người Tày rất phong phú, đa dạng. Ngoài mang yếu tố vật chất thì sản phẩm dệt còn mang yếu tố tinh thần và tâm linh sâu sắc. Trước đây, người Tày dệt các sản phẩm để làm của hồi môn cho con gái khi về nhà chồng, để trao đổi theo phương thức vật đổi vật, phụ thêm cho kinh tế gia đình và phục vụ nhu cầu sử dụng trong gia đình, trong hoạt động văn hóa đời sống như: Trang phục, màn, vỏ chăn, rèm cửa, địu trẻ con, túi nải, giầy vải... những sản phẩm này gắn bó với họ từ thuở lọt lòng đến khi từ giã cõi đời.

Từ bàn tay khéo léo và những sợi bông nhiều màu sắc đã tạo nên những hoa văn tinh tế

Việc dệt vải thường được thực hiện vào cuối ngày hay những lúc nông nhàn. Hình ảnh người phụ nữ ngồi bên khung cửi dệt vải đã rất quen thuộc, gần gũi trong đời sống của người Tày. Song vì nhiều nguyên nhân khác nhau, nghề dệt thủ công truyền thống hiện đã có nhiều thay đổi.

Trước đây, phần lớn các gia đình đều tự trồng bông, kéo sợi, dệt vải. Ngày nay, nghề trồng bông, kéo sợi không còn nhiều, sợi bông được thay thế bằng sợi công nghiệp vì dễ dệt hơn, giá cả hợp lý, không tốn nhiều thời gian, công đoạn, người phụ nữ đỡ vất vả hơn. Trước đây, màu nhuộm sợi được tạo ra từ các cây vỏ cứng nhưng hiện nay một phần được thay thế bằng thuốc nhuộm công nghiệp hoặc sợi len màu bán sẵn ngoài thị trường.

Bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể cho biết: Để gìn giữ và phát huy vốn văn hóa truyền thống quý báu của nghề dệt thủ công truyền thống, cấp uỷ, chính quyền và các cơ quan chức năng ở địa phương đã có nhiều chủ trương, chính sách cụ thể như đầu tư kinh phí, triển khai nhiều dự án nhằm bảo tồn nghề dệt thủ công truyền thống như: Tổ chức lớp học nghề dệt thủ công truyền thống (Dự án 3PAD); thực hiện Dự án bảo tồn làng văn hóa thôn Pác Ngòi, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn; tích cực tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm dệt tới du khách trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua các cuộc trưng bày, triển lãm; động viên, khuyến khích các nghệ nhân truyền dạy lại nghề cho thế hệ trẻ; tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức về giá trị văn hóa truyền thống quý báu của nghề dệt thủ công truyền thống cho thế hệ trẻ.

Có thể nói, nghề dệt thủ công truyền thống của người Tày là nét văn hóa độc đáo và đặc sắc, chiếm vị trí quan trọng trong đời sống sinh hoạt, văn hóa truyền thống của người Tày. Ngày nay, nghề dệt thủ công truyền thống còn có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế gia đình, là sản phẩm hàng hóa được định hướng gắn với việc phát triển du lịch của địa phương. Việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị nghề dệt thủ công truyền thống tại địa phương là rất quan trọng và cần thiết, không chỉ góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình mà quan trọng hơn chính là gìn giữ biểu tượng văn hóa truyền thống của cộng đồng người Tày Bắc Kạn./.

Thu Trang