PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

25/06/2015
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Độc đáo nghề rèn của người Mông
Trong đời sống của đồng bào người Mông ở Bắc Kạn có nhiều nghề thủ công mang đậm nét văn hóa dân tộc. Nghề rèn là một trong những nghề truyền thống lâu đời gắn liền với hoạt động sản xuất của bà con vùng cao nơi đây.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Trong đời sống của đồng bào người Mông ở Bắc Kạn có nhiều nghề thủ công mang đậm nét văn hóa dân tộc. Nghề rèn là một trong những nghề truyền thống lâu đời gắn liền với hoạt động sản xuất của bà con vùng cao nơi đây.

Những nông cụ do chính thợ rèn người Mông làm ra được bán
tại chợ phiên vùng cao Pác Nặm

Trong chuyến công tác lên các thôn bản vùng cao của huyện Pác Nặm, chúng tôi đã có dịp tìm hiểu về nghề rèn của đồng bào người Mông nơi đây. Được biết, đây là một trong những nghề thủ công được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Tại mỗi phiên chợ vùng cao chúng ta có thể bắt gặp rất nhiều những sản phẩm như chiếc cuốc, con dao, cái liềm, chiếc mõ trâu, lưỡi cày… Đây chính là những công cụ lao động hết sức gần gũi của bà con được chính tay những người thợ rèn là người Mông tạo ra.

Người Mông thường sống ở trên những triền núi cao. Từ xưa, việc canh tác trên những sườn núi cao với những chân ruộng bậc thang nhỏ, hẹp uốn lượn đòi hỏi bà con phải dùng trâu, bò để cày đất chứ không thể dùng máy. Người Mông vẫn nổi tiếng với kỹ thuật cày trên đất dốc. Những lưỡi cày hay lưỡi cuốc được người Mông tự đúc bằng kỹ thuật thủ công, chất lượng đạt tới độ “tuyệt hảo” bởi khi tôi lưỡi cày và cuốc được tăng rất nhiều thành phần thép. Do vậy lưỡi cày, cuốc của người Mông làm ra vừa cứng vừa dẻo đảm bảo lật đất tốt, xén đứt hết rễ cây, gốc cỏ mà không bị gãy.

Gia đình ông Hoàng Văn Sậu, thôn Ngạm Váng, xã Nhạn Môn, huyện Pác Nặm là một trong số những hộ gia đình người Mông còn giữ được nghề rèn truyền thống này. Để lên được với thôn Ngạm Váng phải đi cả chặng đường dài vất vả, con đường chỉ có thể đi được bằng xe máy trong mùa khô, còn mùa mưa chỉ có cách đi bộ. Căn nhà của gia đình ông Hoàng Văn Sậu nằm chênh vênh bên sườn đồi bốn bề là núi cao. Ngay từ dưới chân đồi đã nghe rõ tiếng quai búa và mùi khét của than gỗ rừng, không khí đặc trưng của một làng nghề truyền thống.

Bên lò rèn đang đỏ lửa, ông Sậu chia sẻ về nghề của mình: Công việc đầu tiên của người thợ rèn là chuẩn bị than đốt và đắp lò. Khác với lò của người dưới xuôi, lò của người Mông được đắp bằng đất, mặt lò võng xuống để có thể cho than vào, than để đốt không phải là than đá mà được đốt bằng than của một loại gỗ ở trong rừng. Làm rèn phải theo một quy trình và cần có hai người, một người kéo bơm gió (kéo bễ) để than trong lò cháy đều cung cấp nhiệt cho quá trình rèn và một người rèn, khi rèn cho sắt vào nung đỏ, đưa ra để lên đe dùng búa đập, sắt nguội lại cho vào lò nung, rồi đập tạo hình, mài…, cứ như thế cho đến khi tạo ra được sản phẩm vừa ý.

Ông Sậu cho biết thêm, ông đã biết làm nghề rèn từ lúc lên 14 tuổi, đến nay ông đã ngoài 50 tuổi, mỗi ngày hai vợ chồng ông có thể làm được 4 - 5 sản phẩm gồm dao, dao quắm, cuốc, mõ trâu… Hầu hết các sản phẩm làm ra được bà con trong xã, thôn đến mua hết, mỗi con dao quắm ông bán 150.000 đồng, dao nhọn 50.000 đồng, còn lưỡi cày hay dụng cụ khác ông vẫn làm khi có người đặt.

Lò rèn của ông Giàng Á Sanh, thôn Chẻ Pang, xã Cao Tân (Pác Nặm)

Chia tay lò rèn của gia đình ông Hoàng Văn Sậu, chúng tôi đến xã Cao Tân, huyện Pác Nặm, nơi cũng nổi tiếng với nghề rèn. Hiện nay trên địa bàn xã còn hơn chục hộ làm nghề rèn.

Để làm ra một sản phẩm, người thợ rèn phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ cắt sắt tạo hình, nung, đập, nhúng nước, rồi lại nung, đập cho tới khi định hình được sản phẩm, mài cho sắc, làm nắm cầm... Và dường như những công đoạn ấy đã “ngấm vào máu”, nên chẳng ai bảo ai mà vẫn làm nhanh thoăn thoắt. Ông Giàng Á Sanh, thôn Chẻ Pang, xã Cao Tân cho biết: Đây là một nghề truyền thống đã gắn bó với người Mông từ bao đời. Do tập quán người Mông thích ở trên núi cao, đường đi lại khó khăn nên họ thỉnh thoảng mới xuống chợ, những dụng cụ lao động đều do họ tự làm, tự đúc để tiết kiệm chi phí, phục vụ cho cuộc sống hàng ngày, đồng thời tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Nói về bí quyết của nghề, ông Sanh cho biết: Mỗi lò rèn đều có bí kíp gia truyền riêng của mình; chẳng hạn như dùng loại than đốt lò như thế nào cho lửa tốt; rồi cắt sắt tạo hình, nung qua lửa ra sao… Trong khâu tôi sắt của người Mông có một “bí quyết” riêng để tạo nên những sản phẩm nông cụ truyền thống có chất lượng cao, đó là khả năng nhìn màu sắt để đưa vào tôi. Người Mông có nhiều cách tôi sắt khác nhau, có loại sắt thì tôi bằng nước có cho một lượng muối vừa phải có loại thì tôi bằng nước vắt ra từ thân cây chuối và cũng có thể là bằng dầu nhớt. Người thợ phải biết cách xem loại sắt để chọn cách tôi, như thế thì dao mới sắc và bền. Sau khi tôi xong là đến giai đoạn mài dao, người Mông thường mài dao bằng đá suối. Dao, cuốc và cày của người Mông làm ra được coi như một công cụ quý vì nó đạt tới độ bền cao lại rất sắc.

Với các lò rèn ở đây, các sản phẩm được tạo ra hoàn toàn thủ công; từ khâu cắt sắt, tạo hình, quai búa, làm tay cầm... tất cả đều chỉ bằng tay, không có sự can thiệp của máy móc. Nhưng chính vì thế mà những sản phẩm ở đây làm ra có độ tinh xảo và bền hơn. Đặc biệt, vì làm thủ công nên nó đáp ứng được mọi nhu cầu của người dân, từ làm mới các sản phẩm đến sửa chữa những đồ dùng cũ bị hỏng hóc.

Được biết, nghề rèn đòi hỏi người thợ phải có sức khỏe, sự khéo léo, cũng như sự kiên trì và sáng tạo mới có thể cho ra lò những sản phẩm tinh xảo vừa có giá trị làm vật dụng vừa thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo riêng của dân tộc Mông. Cũng đã có nhiều người đến nhà ông Sậu xin được học nghề nhưng rất ít người có thể học được nghề rèn. Hiện nay, trên địa bàn huyện Pác Nặm không còn nhiều những gia đình còn theo nghề rèn, một phần do thất truyền còn phần lớn hiện nay khi các công nghệ đúc, rèn theo phương pháp hiện đại đã được áp dụng phổ biến, những vật dụng sẵn có bán nhiều ngoài chợ, nghề rèn thủ công bị bó hẹp trong giới hạn chỉ mang tính tự cung tự cấp dụng cụ lao động phổ thông trong mỗi gia đình. Đó cũng là nỗi trăn trở của ông Sậu và những người thợ rèn ở vùng cao Pác Nặm này.

Trong những năm qua, việc bảo tồn và gìn giữ nghề truyền thống, nhất là nghề rèn của người Mông cũng đã được các cấp ngành đặt ra. Thế nhưng, thực sự, trong điều kiện kinh tế thị trường cạnh tranh gay gắt hiện nay, cũng như các nghề truyền thống khác, nghề rèn của người Mông gặp không ít khó khăn. Sản phẩm làm ra vẫn chưa được tiêu thụ rộng rãi mà chỉ phục vụ cho nhu cầu bà con trong xã là chủ yếu. Các sản phẩm kim khí nhập ngoại từ Trung Quốc hoặc từ các nhà máy lớn trong nước có giá rẻ hơn đã làm cho các sản phẩm rèn ra không thể cạnh tranh được, do đó tìm đầu ra cho sản phẩm là rất khó.

Một vấn đề nữa là nghề rèn của người Mông chủ yếu tồn tại theo kiểu “cha truyền con nối”, không có tài liệu hay sổ sách ghi chép lại nên dần dần nó đã bị mai một. Những thợ rèn tay nghề cao mất đi, trong khi giới trẻ lại không còn ai mặn mà với nghề của cha ông. Việc khôi phục, bảo tồn và phát huy, phát triển nghề rèn truyền thống của người Mông là một việc làm hết sức cấp bách đang đặt ra, bởi nó không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội mà còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hoá độc đáo riêng của dân tộc./.

Thu Trang