PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

31/12/2014
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Gìn giữ nghề xe lanh, dệt vải thủ công của đồng bào Sán Chỉ
Nghề xe lanh, dệt vải thủ công của đồng bào dân tộc Sán Chỉ ở huyện vùng cao Pác Nặm đã có từ lâu đời và được truyền lại qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên cùng với sự phát triển của kinh tế, sự tiện lợi của các đồ may mặc sẵn đã vô hình chung làm mai một dần nghề thủ công truyền thống này.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Nghề xe lanh, dệt vải thủ công của đồng bào dân tộc Sán Chỉ ở huyện vùng cao Pác Nặm đã có từ lâu đời và được truyền lại qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên cùng với sự phát triển của kinh tế, sự tiện lợi của các đồ may mặc sẵn đã vô hình chung làm mai một dần nghề thủ công truyền thống này.

 Phụ nữ Sán Chỉ thôn Khâu Đấng,

xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm quay sợi bông

Ông Hoàng Hữu Tổ, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Pác Nặm cho biết: Đồng bào Sán Chỉ ở Pác Nặm hiện nay có trên 300 hộ và tập trung chủ yếu ở các xã Bộc Bố, Bằng Thành, Giáo Hiệu, Cao Tân. Nghề dệt vải lanh đã hình thành từ rất lâu và được truyền lại qua nhiều thế hệ. Ngày xưa, bất cứ người phụ nữ Sán Chỉ nào đến tuổi trưởng thành cũng đều biết xe lanh thành sợi để dệt vải, phục vụ cho cuộc sống hàng ngày của gia đình. Người Sán Chỉ ở Pác Nặm rất ưa chuộng vải lanh, bởi nó có độ bền hơn hẳn các loại vải được dệt từ bông hay các loại vải khác. Tuy nhiên hiện nay nghề xe lanh, dệt vải này cũng đang dần bị mai một.

Nguyên liệu để tạo nên một tấm vải lanh có thể từ cây lanh hoặc cây bông. Cây bông sau khi trồng khoảng 3 tháng thì cho thu hoạch người ta đem bông về tách bỏ hạt, ép bông thành cuộn rồi kéo vào khung quay để tạo thành những sợi nhỏ, chắc chắn, sau đó được đưa lên khung cửi dệt thành những tấm vải. Nếu không dùng bông, người dân thường dùng vỏ cây lanh tước thành từng sợi nhỏ và nối với nhau một cách khéo léo để không tạo thành mấu ở chỗ nối. Các sợi lanh được mắc vào khung quay xe cho thật chắc, sau đó đem cuộn lại, luộc trong nước tro. Khi giặt sạch nước tro, sợi lanh chuyển sang màu trắng, lúc ấy việc dệt vải sẽ được bắt đầu.

 Bộ trang phục của phụ nữ Sán Chỉ

Những tấm vải dệt xong được đem nhuộm chàm (nước nhuộm được làm từ vỏ cây chàm, cho màu đen và khó phai) rồi đem phơi khô. Sau đó là công đoạn thêu để tạo hoa văn, họa tiết bắt mắt cho chiếc váy, áo. Đây là công đoạn mất nhiều thời gian nhất và đòi hỏi sự khéo tay, tỉ mỉ.

Với trên 30 công đoạn từ tuốt sợi, quay khung xe sợi, dệt (trên khung dệt thô sơ được đạp bằng chân và điều khiển bằng tay), vẽ sáp trên nền vải trước khi cho vào nhuộm… sợi lanh qua kỹ thuật của người dân tộc Sán Chỉ nhìn tưởng mỏng manh nhưng lại trở nên cực kỳ chắc chắn. Những tấm vải chỉ có một màu đen tuyền nhưng qua bàn tay khéo léo của những người phụ nữ Sán Chỉ đã tạo nên những bộ trang phục rất bền và đẹp. Trang phục của người phụ nữ Sán Chỉ ở Pác Nặm không sặc sỡ nhiều sắc màu như những dân tộc khác nhưng vẫn có điểm nhấn nhờ các đồ vật trang sức như vòng cổ, vòng tay và các phụ kiện dùng để quấn tóc. Trang phục của nam giới thì thường đơn giản hơn. Bên cạnh những trang phục trên, họ còn dùng vải lanh để may chăn, màn, khăn...

Bà Đặng Thị Nì, thôn Khuổi Bẻ, xã Bộc Bố năm nay đã gần 60 tuổi nhưng thỉnh thoảng lúc rỗi rãi bà vẫn đem khung cửi ra để dệt quần áo cho đứa cháu nội, vừa là để đỡ nhớ nghề, vừa nhắc nhở con cháu không quên nghề truyền thống. Đôi mắt nhìn xa xăm, bà Nì chia sẻ: “Tôi biết dệt vải từ khi còn nhỏ và do mẹ truyền dạy cho. Trước đây con gái dân tộc Sán Chỉ ai cũng biết xe lanh, dệt vải và họ chỉ mặc quần áo của dân tộc mình tự làm. Vào những ngày phiên chợ hay dịp Tết, lễ hội, ai cũng diện những bộ trang phục đẹp nhất. Tuy nhiên ngày nay lớp trẻ chẳng còn ai mặn mà với việc xe lanh, dệt vải nữa, ngày càng ít người mặc những bộ quần áo dân tộc. Đó cũng là nỗi buồn của những người như chúng tôi”.

 Những khung cửi truyền thống

ngày càng ít được sử dụng

Để có một bộ trang phục hoàn chỉnh phải mất rất nhiều thời gian và tâm huyết của người dệt vải, đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ và khéo tay nên mỗi bộ trang phục cũng mang rất nhiều ý nghĩa. Chị Đặng Thị Xinh, thôn Khâu Đấng, xã Bộc Bố cho biết: Thông thường người dân chỉ xe lanh, dệt vải những lúc nông nhàn và để dệt được một tấm vải phải mất cả tháng trời, một năm người ta chỉ làm được 2 đến 3 bộ quần áo. Tuy nhiên loại vải lanh này mùa hè mặc vào thì mát, mùa đông thì ấm nên rất tiện dụng.

Để tạo nên một tấm vải đẹpquan trọng nhất chính là chiếc khung cửi. Tuy nhiên số khung cửi và người biết làm khung cửi ở huyện Pác Nặm hiện nay chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trưởng thôn Khuổi Bẻ Lý Văn Leo dẫn chúng tôi đến 2 hộ gia đình trong thôn còn lưu giữ được những chiếc khung cửi truyền thống, tuy nhiên vì đã lâu không dùng đến nên được cất lên gác bếp, chiếc nào cũng cũ kỹ và bám bụi theo thời gian. Những chiếc khung cửi cùng với tiếng kẽo kẹt, tiếng lạch cạch nhịp nhàng khi vào sợi dường như đã dần trở thành dĩ vãng với người dân nơi đây.

 Công đoạn dệt vải mất khá nhiều thời gian

Trưởng thôn Lý Văn Leo cho biết: Ngày nay, khi điều kiện kinh tế phát triển hơn, nghề dệt vải lanh được xem là kỳ công, tốn nhiều thời gian nên đa số chị em phụ nữ Sán Chỉ ở địa phương chọn giải pháp mua sợi lanh xe sẵn, được bày bán tại các phiên chợ của xã, huyện về để dệt váy, áo và các đồ dùng khác trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Lớp trẻ thích mặc những bộ quần áo may sẵn và hợp mốt. Nghề xe lanh, dệt vải truyền thống của đồng bào Sán Chỉ vì thế mà đang dần mai một.

Phụ nữ Sán Chỉ ở Pác Nặm rất tự hào về nghề dệt vải lanh truyền thống của dân tộc mình, tuy nhiên nghề thủ công này đang đứng trước nguy cơ dần mai một. Số người biết xe lanh, dệt vải ít dần, trong khi lớp trẻ ngày càng ít mặn mà với nghề truyền thống này. Việc duy trì nghề dệt vải lanh của người Sán Chỉ Pác Nặm rất cần có sự quan tâm vào cuộc của các cấp ngành ở địa phương, nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc ở Bắc Kạn nói chung, đồng bào Sán Chỉ trên địa bàn huyện Pác Nặm nói riêng./.

Thu Trang