PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

13/04/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Nét đẹp văn hóa trong tết Thanh minh ở Bắc Kạn
Cứ vào dịp đầu tháng ba âm lịch hằng năm, người dân Bắc Kạn lại rộn ràng sắm sửa mâm cỗ, vàng hương... để tổ chức tết Thanh minh. Đây là nét văn hóa truyền thống đã được truyền qua nhiều thế hệ.

 PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Tết Thanh minh của người Tày, Nùng Bắc Kạn còn gọi là Tết “bươn slam, so slam” (tức mùng 3/3 âm lịch)Trong các ngày tết của dân tộc Tày, Nùng thì ngày 3/3 âm lịch được xem là ngày tết lớn, là ngày anh em, họ hàng có dịp quây quần và họp mặt

Các gia đình dọn dẹp, thắp hương phần mộ 

Ngay từ sáng sớm, khắp các triền đồi, chân núi..., từng đoàn người mang theo đồ lễ và dụng cụ đi tảo mộ cho những người thân đã khuất. Sau khi thắp nhang, những ngôi mộ sẽ được phát cỏ dại, quét dọn sạch sẽ và trang trí lại những cây nêu treo dải băng bằng giấy màu được cắt tỉa cầu kỳ.

Ban đầu, chỉ có người Tày, Nùng tổ chức tết Thanh minh, sau dần, người Kinh ở dưới xuôi lên Bắc Kạn sinh sống cảm nhận nét đẹp văn hóa tục lệ này cũng hưởng ứng, tổ chức tết Thanh minh, đi tảo mộ giống như bà con người dân tộc nơi đây.

Anh Đặng Thiên Tân, trú tại phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn cho rằng: “Với người Kinh hay người Tày thì đây đều là cách để những người còn sống nhớ tới ông bà, tổ tiên, cho nên chúng tôi dù là người Kinh nhưng cũng hòa nhập phong tục này, sắp xếp công việc để tham gia tết Thanh minh cùng mọi người trong gia đình tỏ lòng hiếu kính với tổ tiên".

Trong ngày này, tất cả các tuyến đường trong tỉnh, từ thành phố Bắc Kạn đến các huyện Ngân Sơn, Na Rì, Chợ Mới, Bạch Thông, Ba Bể hay xa xôi như huyện Pác Nặm đều nhộn nhịp xe cộ, mọi người, mọi nhà tấp nập đi tảo mộ, thắp hương cho tổ tiên trên các sườn đồi.

Bà con thường đến mộ từ sáng sớm, thắp hương xin phép thần thổ địa rồi phát cỏ cây, dọn dẹp khu mộ sạch sẽ. Khi đó mới kính cẩn thắp hương và bày cỗ, rót rượu khấn mời tổ tiên.

Chuẩn bị cho ngày tết Thanh minh, các gia đình từ thành phố hay nông thôn đều tổ chức gói bánh, đồ xôi...
để mâm lễ dâng lên ông bà tổ tiên được ý nghĩa hơn
(
Gia đình chị Đinh Thị Đầm - người dân tộc Tày, thành phố Bắc Kạn gói bánh chuẩn bị cho tết Thanh minh)

Trong mâm cỗ cúng tổ tiên ngoài mộ của bà con thường có thịt gà, thịt lợn, hương hoa, quả, bánh kẹo, giấy tiền, rượu và thứ bánh đặc trưng của đồng bào dân tộc Tày ở Bắc Kạn như bánh lá gai, bánh lá ngải, bánh củ chuối, bánh trứng kiến. Ngoài ra, một món không thể thiếu là “khẩu nua đăm đeng” (tạm dịch là xôi nếp đỏ, đen). Đây là món xôi nhiều màu sắc đỏ, xanh, đen, tím, vàng... trông rất bắt mắt. Xôi đăm đeng được nấu từ gạo nếp cái - thứ gạo hạt căng tròn, trắng bóng được sát từ những bó thóc nếp treo trên gác bếp nhiều tháng trước đó.

Ở đây, khi thu hoạch lúa nếp, bà con không tuốt mà để nguyên bông lúa nếp, đem bó lại treo lên gác bếp, khi chuẩn bị làm xôi mới xát thành gạo. Khi đó, xôi vẫn giữ được hương thơm của gạo mới. Việc chuẩn bị cho xôi đăm đeng phải qua nhiều công đoạn. Gạo nếp đem ngâm và được nhuộm bằng lá cây rừng và quả tạo nên màu sắc đẹp mắt, ăn ngon nhưng cũng rất an toàn.

Một số người dân cho biết, muốn làm được xôi ngũ sắc phải lên rừng tìm lá nếp cẩm rừng, lá sâu sâu... để luộc lấy nước, ngâm gạo đồ xôi để cho ra các sắc khác nhau như: Tím, đỏ và đen, nhưng màu tím là phổ biến nhất. Ngoài các màu trên, người dân còn lấy nghệ để tạo thêm màu vàng. Cùng với phần nếp trắng không nhuộm, mỗi thứ để riêng một góc trong chõ, sau khi đồ sẽ có món xôi đăm đeng với năm màu rất đẹp mắt. Ngày nay, nhiều người làm xôi đăm đeng để bán cho những gia đình không có điều kiện tự làm. Nhưng phần lớn người dân ở nông thôn vẫn thường tự mình làm món ăn độc đáo này.

Ngày tết Thanh minh, các gia đình dậy rất sớm để thịt gà, đồ xôi. Đĩa xôi ngũ sắc đơm đầu tiên được đặt lên bàn thờ trong nhà thắp hương tổ tiên. Trước khi tảo mộ, các gia đình bầy mâm cỗ gồm gà luộc (nguyên con), xôi ngũ sắc, thịt mồi, rượu, hoa, quả, bánh, kẹo và giấy tiền, vàng, làm lễ khấn các vị thần linh cai quản, trông nom khu vực có phần mộ của gia đình, xin cho con cháu được tảo mộ. Phần lớn các ngôi mộ đều đặt trên đồi, núi xa nhà, nên nhiều gia đình thường thụ lộc ngay bên phần mộ của tổ tiên.

Sau khi tảo mộ, khắp các bìa rừng, đồi núi, các ngôi mộ được cắm cây nêu với nhiều màu sắc. Bao nhiêu ngôi mộ là bấy nhiêu cây nêu, báo hiệu con cháu đã hoàn tất việc tảo mộ cho ông bà, tổ tiên. Mọi người cùng kể cho con cháu chuyện về những người đã khuất. Đây chính là dịp để mọi người báo hiếu, đền đáp ơn sinh thành của cha mẹ, tổ tiên, nhắc nhở mỗi người nhớ về quê hương, nguồn cội.

Tục lệ tảo mộ trong tiết Thanh Minh vào đúng ngày 3/3 âm lịch của đồng bào Tày, Nùng từ bao đời nay đã trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống, cũng là cách răn dạy các thế hệ con cháu bày tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên, nguồn cội và để những thành viên trong gia đình thêm gắn bó, thương yêu. Hình ảnh các gia đình quây quần bên phần mộ tổ tiên trong tết Thanh minh ở Bắc Kạn đã tạo nên nét đẹp văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc vẫn đang được các thế hệ giữ gìn và phát huy./.

Thu Trang