Độ tương phản
Thực hiện dự án “Tăng cường sự tham gia và tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số” nhằm nâng cao năng lực và tiếng nói cho phụ nữ dân tộc Tày, Dao, Mông trên địa bàn huyện Ba Bể, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Phúc Lộc (Ba Bể) đã xây dựng mô hình “Bảo tồn trang phục truyền thống của dân tộc Dao Tiền”.
Mô hình được triển khai tại chi hội phụ nữ các thôn Khuổi Tẩu, Khuổi Trả xã Phúc Lộc với hơn 60 hội viên là người dân tộc Dao, Nùng tham gia. Mô hình “Bảo tồn trang phục truyền thống của dân tộc Dao Tiền” định kỳ sinh hoạt 2 tháng/lần với sự tham gia của bí thư, phó bí thư chi bộ thôn, các ban ngành, đoàn thể của thôn và đặc biệt là hội viên phụ nữ. Ngoài các nội dung sinh hoạt chuyên đề theo sự chỉ đạo của Hội cấp trên, các hội viên còn trao đổi kinh nghiệm trong bảo tồn trang phục truyền thống của các dân tộc Dao.
Theo chị Nông Thị Tỷ - Chủ tịch Hội LHPN xã Phúc Lộc: Ngày nay, trang phục của người Dao Tiền đã được biến tấu, cách điệu rất đa dạng, phong phú để phù hợp với lứa tuổi và thuận tiện trong sinh hoạt, lao động hàng ngày, tuy nhiên vẫn giữ được nét truyền thống cổ xưa như áo chính thêu chỉ xanh, chỉ đỏ, hai dây lưng màu đỏ và màu trắng, chân váy được vẽ bằng sáp ong, khăn đội đầu thêu hai đuôi, xà cạp. Bộ vòng gồm 7 vòng bạc trắng và 10 dây hạt cườm. Người Dao Tiền rất tự hào về trang phục truyền thồng của mình và luôn mặc trang phục truyền thống trong các dịp phiên chợ, lễ hội…
Quần áo của người Dao đều tự làm thủ công bằng tay, khâu từng đường kim mũi chỉ, trang trí họa tiết ở trang phục phong phú từ khăn đội đầu, cổ áo, nẹp áo, thắt lưng, thân váy, xà cạp. Kỹ thuật thêu hoa văn của người Dao cũng rất phức tạp, thể hiện sự tinh tế của người phụ nữ. Người Dao đánh giá vẻ đẹp của người phụ nữ qua khả năng thêu, dệt và may trang phục. Vì vậy trước khi về làm dâu, cô gái bao giờ cũng có vài bộ váy áo làm của hồi môn.
Bà Chu Thị Mụi, năm nay đã 80 tuổi chia sẻ: Năm 19 tuổi bà đã thành thạo việc dệt vải để làm quần áo. Giờ bà rất muốn dạy dệt vải, thêu thùa cho con cháu nhưng vì chúng còn phải đi học chữ, đi làm kiếm tiền nên không có thời gian để học. Bà Mụi trăn trở, rồi sau này không biết có còn ai nhớ cách làm trang phục truyền thống của dân tộc mình nữa không.
Hiện nay, tỉnh đang phát triển du lịch theo hướng khai thác điểm đến du lịch gắn liền với bảo vệ và phát huy đặc trưng của cộng đồng địa phương, bởi vậy, việc gìn giữ, bảo tồn trang phục truyền thống của dân tộc Dao Tiền ở Ba Bể là việc làm hết sức có ý nghĩa nhằm lưu giữ các trang phục truyền thống đang có nguy cơ bị mai một, đồng thời thu hút khách du lịch khám phá, tìm hiểu văn hóa. Hiện nay, xã Phúc Lộc cũng đang tích cực phối hợp với các ban, ngành tổ chức các tổ, nhóm phụ nữ học thêu, dệt vải. Ở 2 thôn Khuổi Tẩu, Khuổi Trả hiện chỉ còn chưa đến 10 người mặc trang phục truyền thống, chủ yếu là người già. Còn thế hệ trẻ hiện nay không mặc trang phục dân tộc vào những ngày thường.
Bà Hà Thị Liễu - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Nhận thức được vai trò của phụ nữ trong việc giữ gìn và phát triển văn hóa các dân tộc, những năm qua, Hội LHPN tỉnh đã có nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động hội viên gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống thông qua các lễ hội tín ngưỡng, trò chơi dân gian và đặc biệt là trang phục truyền thống nhằm khẳng định sắc thái riêng của mỗi dân tộc. Hội viên phụ nữ là người tiếp nối các giá trị văn hóa đích thực của cộng đồng, gia đình, dòng họ không chỉ để đáp ứng nhu cầu vui chơi, ăn mặc cho bản thân mà còn có nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đậm đà bản sắc dân tộc.
Trang phục dân tộc là cái hồn, là cốt cách của từng dân tộc. Song trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và hội nhập hiện nay, trang phục truyền thống của dân tộc cũng bị chính cộng đồng sáng tạo ra nó dẫn lãng quên. Hy vọng rằng, mô hình “Bảo tồn trang phục truyền thống của dân tộc Dao Tiền” sẽ phát huy hiệu quả tốt, góp phần nâng cao giá trị văn hóa truyền thống trong thời kỳ đổi mới./.
Người lưu giữ và truyền dạy chữ Nôm Dao (04/01/2024)
Sâu lắng làn điệu hát ru của người Tày ở Bắc Kạn (02/06/2023)
Linh thiêng Lễ cấp sắc của đồng bào Dao Tiền ở huyện Bạch Thông (25/05/2022)
Nét đặc sắc trong trang phục truyền thống các dân tộc tỉnh Bắc Kạn (18/04/2022)
Nghề se lanh dệt vải của đồng bào Sán Chỉ ở Pác Nặm (12/04/2022)